Mười mấy năm làm nghề thu được nhiều thành quả cũng như kinh nghiệm quý báu. Là kiến trúc sư nên phải đi rất nhiều nơi, gặp gỡ vô số khách hàng. Nhưng nghĩ lại, khoảng thời gian khó quên nhất chính là lần lên Lào Cai cách đây đã tám năm. Có những thử thách cùng bỡ ngỡ, nhưng những điều đó không là gì với trải nghiệm đáng giá từng nhận được.
Sáng hôm đó, đang ngồi trong văn phòng thì nhận được cuộc điện thoại bất ngờ của chị Thảo. Giọng nữ xa lạ tự giới thiệu và ngỏ lời: “Em có phải kiến trúc sư Triệu không? Em có thể lên Lào Cai làm công trình được không?” Một vài ý nghĩ thoáng qua trong đầu, chưa lên Tây Bắc bao giờ. Đường xá cũng không thuận tiện. Sẽ có nhiều thử thách đây, nhưng không sao cả, chẳng ngại, xa thì xa. Dứt khoát trả lời chị: “Em đồng ý ạ.”
Vậy là tối hôm đó đã ngồi trên tàu hỏa lên Lào Cai. Sáng mở mắt dậy xuống ga, trời hơi se lạnh. Nghĩ cũng hơi hồi hộp, không biết khách hàng thế nào? Hi vọng sẽ ổn thỏa. Anh chị chào đón khách rất nhiệt tình. Hai vợ chồng chị tự giới thiệu là nhân viên của Apatit Lào Cai. Chị Thảo sôi nổi, anh Trường thì điềm đạm.
Quang cảnh quả là tuyệt vời. Sông Hồng cuồn cuộn chảy chia đôi biên giới. Khu này rất gần cầu và chợ Cốc Lếu. Trước mặt sau lưng đều là đường, làm gì cũng thuận tiện. Đây là một trong những vị trí đắc địa nhất của thành phố Lào Cai, cũng là dự án nhà liền kề đầu tiên.
Hiện trạng nhà là 3 tầng 1 tum. Diện tích nền 20 x 5m, nhà chỉ mới là phần khung, chưa hề có bất kỳ trang trí gì bên trong. Ngồi trao đổi với nhau, anh chị bày tỏ muốn sửa lại để đáp ứng đủ công năng cho gia đình 5 người, không gian sinh hoạt chung rộng rãi, 4 phòng ngủ, phòng khách, gara ô tô, phòng karaoke…
Anh Trường bảo: “Không cần quá cầu kỳ hay phô trương đâu em. Chủ yếu là là đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Còn lại phối màu hay những tiểu tiết trong trang trí em cứ chủ động sáng tạo sao cho đẹp là được!”
Bài toán lớn nhất chính là phải nâng tầng, nếu không thì không đủ diện tích. Mình quyết định đề xuất với vợ chồng chị Thảo kỹ thuật gia cố khoan cấy thép và dùng keo Ramset Epcon G5 của Mỹ cố định để nâng tầng.
Anh chị nhìn nhau, có vẻ hơi lưỡng lự. Vào thời điểm đó, đây là phương pháp còn khá mới mẻ ngay cả ở những thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM, chứ đừng nói đến trên mảnh đất xa xôi này. Khách hàng lo ngại cũng phải, cần giải thích rõ cho anh chị mới được: “Thông thường ấy ạ, cách truyền thống, muốn xây thêm người ta sẽ phải đục, cấy và hàn sắt vào trụ bê tông tầng dưới. Nhưng kỹ thuật dùng keo để cấy thép này có lợi điểm hơn cách làm truyền thống là không phải đục sâu vào khối bê tông, mà chỉ cần khoan một lỗ vừa đủ với kích thước thanh thép. Nó ít xâm lấn vào cấu trúc cũ nên bê tông sẽ giữ được độ ổn định và duy trì tuổi thọ của công trình tốt hơn. Không những vậy, còn có thể rút ngắn thời gian thi công so với cách làm trước đây. Em thấy đây là lựa chọn tốt nhất, lợi rất nhiều đường.”
Để tăng thêm tính thuyết phục thì cần làm thực nghiệm. Trước sự chứng kiến của chủ nhà, những người thợ tiến hành đưa các thanh thép (với nhiều kích thước khác nhau) vào cột và dùng keo cố định. Sau đó dùng máy kéo thép để thử nhổ. Bằng chứng thực tế đã khẳng định, những thanh thép sử dụng loại keo dán mới này gắn kết cực kỳ bền chặt. Cuối cùng, khách hàng cũng chấp nhận đề xuất này.
Vợ chồng chị Thảo rất tín nhiệm và tôn trọng kiến trúc sư. Chính sự thoải mái của khách hàng đã trở thành động lực để người thiết kế có thể phát huy hết khả năng, chuyển đổi ý tưởng của gia chủ lên bản vẽ. Niềm vui lớn nhất chính là khi bản vẽ được duyệt ngay lần đầu tiên.
Vì cần giám sát và chỉ đạo công trình nên phải thường xuyên ở tại Lào Cai, mỗi lần khoảng 1 – 2 tuần rồi về Hà Nội vài ngày, xong lại lên, liên tục trong 8 tháng. Ngày đó, đường giao thông không phải như bây giờ, đi tàu đêm thì mất hơn 7 tiếng, ô tô thì 5 tiếng. Có hôm đi đường núi mà tài xế buồn ngủ. Bánh xe tấp vào rãnh nước bên đường lúc 12 giờ khuya. Sự cố bất ngờ, trong khi đã hẹn trước với mọi người rồi, chỉ lo lỡ việc! May mắn còn có dân bản thổi xôi bán cho hành khách ăn tạm để chống đói, cuối cùng đến tầm trưa xe cũng nhích đi được.
Có câu “Nắng rát Lào Cai, mưa dai Yên Bái.” Lên rồi mới thấm cảnh trời hầm hập! Anh em thợ tuôn trào mồ hôi, mình cũng không ngoại lệ, nhiều lúc như muốn bốc hơi. Vợ chồng chị Thảo thi thoảng cũng động viên: “Triệu làm việc vất vả lại xa nhà, cố gắng nhé!”
Đổ sàn, xây thêm tường, giâm trần, xây lại ban công, cầu thang… Căn nhà dần lột xác. Lòng tràn đầy hào hứng và mong đợi.
Hoàn thành khung, căn hộ bắt đầu được trang trí bên trong. Lào Cai nằm ở biên giới, chỉ cách đó 2km là Vân Nam (Trung Quốc), có rất nhiều hàng nội thất giá rẻ hơn nhiều và mẫu mã đa dạng. Nhưng khách hàng vẫn lựa chọn hàng thiết kế riêng theo ý tưởng của kiến trúc sư. Tất cả được gia công tại Hà Nội và chở lên bằng đường ô tô.
Ngày hoàn thiện, ngôi nhà tông màu nâu vàng trầm cổ điển khác biệt hoàn toàn giữa một dãy căn hộ sáng màu.
Gần 250 ngày lên lên xuống xuống, cả thợ và đồ nội thất đều phải đưa từ thành thị lên vùng cao. Đúng là có hơi khó nhọc, nhưng xứng đáng. Thử thách chính là động lực. Mình hạnh phúc khi được làm thiết kế và trân trọng những tình cảm cùng tín nhiệm của khách hàng.
Vì công việc phải lên Lào Cai, nhưng những con người nơi đây đã khiến mảnh đất này trở nên thân thuộc. Dù xa nhà, tám tháng trời trôi qua mang đến những trải nghiệm đáng giá. Vậy là lại vượt qua thêm một trở ngại và có thêm các nhân duyên mới. Cuộc sống là một hành trình dài, chính những cuộc gặp gỡ đó khiến cho công việc này càng thêm ý nghĩa.
Trong buổi tụ họp với chủ nhà và cả vài người bạn của anh chị, mình còn nói vui: “Sau về kiểu gì em cũng phải mua một chiếc xe biển số 24, để làm kỷ niệm Lào Cai.”