Chắc hẳn rằng không ai muốn tường, trần nhà của mình bị rêu mốc, xỉn màu, ẩm ướt. Nhưng đó lại là điều thường xuyên xảy ra đối với các công trình không được xử lý chống thấm hiệu quả. Vậy, làm thế nào để bảo vệ toàn diện ngôi nhà khỏi các tác nhân mưa gió, thời tiết khắc nghiệt? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây!
Mục lục
Nguyên nhân khiến nhà bị thấm
Cần xác định nguyên nhân gây thấm để áp dụng đúng phương pháp chống thấm phù hợp. Thông thường, các bộ phận của ngôi nhà bị thấm nước bởi các lý do chính sau:
Do kỹ thuật xây dựng
Các vấn đề liên quan đến kỹ thuật xây dựng như: xây tường với mạch gạch lớn, bị hở chân gạch, lỗi kết cấu quá tải gây co ngót, giật nứt tường, trần… đều sẽ dẫn đến tình trạng thấm nước.
Bên cạnh đó, lỗi thấm nước cũng có thể đến từ việc không xử lý tốt hệ thống cấp thoát nước âm tường, ống thoát máy lạnh, ống thoát nước thải… Hoặc nguyên nhân trực tiếp nhất là do công trình không chủ động sử dụng các phương pháp ngăn thấm dột trong quá trình xây dựng.
Do vật liệu xây dựng
Vật liệu xây dựng hoặc vật liệu chống thấm không đạt chuẩn cũng là nguyên nhân chính gây ra thấm dột. Cụ thể:
+ Do sử dụng vật liệu xây, tô tường không đảm bảo chất lượng, định mức thấp. Ví dụ như các loại gạch kém lượng thường có xu hướng ngậm và giữ nước, lâu dần gây thấm tường.
+ Cốt liệu bê tông không đúng quy chuẩn có thể gây thấm trần nhà.
+ Hoặc do sử dụng vật liệu chống thấm không đảm bảo.
Các nguyên nhân khách quan khác
- Thời tiết
Về mặt lý thuyết, các vật liệu xây dựng thông thường đều có những mao quản (khoảng cách giữa các hạt) với đường kính khoảng từ 20 – 40 micromet. Khi thời tiết mưa gió thường xuyên, bề mặt vật liệu sẽ tiếp xúc nhiều với nước, nước sẽ xâm nhập qua các khe hở ở bề mặt, thẩm thấu theo các mao quản vào bên trong (mao dẫn) gây ra hiện tượng thấm.
Mặt khác, sự chênh lệch nhiệt độ giữa hai mùa nóng – lạnh gây ra hiện tượng co giãn cũng có thể khiến nhà bị nứt, dẫn đến thấm nước.
- Nhà cũ lâu năm, xuống cấp
Mọi loại vật tư xây dựng đều có tuổi thọ nhất định. Sau nhiều năm sử dụng, việc ngôi nhà bị xuống cấp, xuất hiện những vết nứt, bong tróc làm nước và hơi ẩm thấm vào bên trong là điều không thể tránh khỏi. Chính vì vậy mà người ta cần làm mới cũng như bảo dưỡng công trình thường xuyên.
Các phương pháp chống thấm
Chống thấm tường nhà
Tường nhà, đặc biệt là mặt bên ngoài là nơi thường xuyên bị mưa táp vào dẫn đến tình trạng bị ăn mòn, thấm, mốc. Nếu để lâu dài thì không chỉ khiến công trình bị xuống cấp nhanh chóng mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ, chập điện.
Chủ động chống thấm trong quá trình xây dựng
Nếu là nhà đang xây thì chủ đầu tư có thể chủ động thực hiện các biện pháp chống thấm ngay từ ban đầu. Cụ thể:
- Về kỹ thuật xây dựng
– Nghiên cứu về đặc điểm thủy văn, khí hậu và làm việc với đội thiết kế xây dựng để có phương án nhà ở khoa học, ngăn chặn tối đa tình trạng thấm tường.
– Thiết kế mái có độ dốc hợp lý để tránh ảnh hưởng từ nước mưa gây thấm tường.
– Nên xây tường 20 (tường có độ dày 200 – 220 mm). Tường quá mỏng sẽ dễ bị nứt đồng thời nguồn nước cũng sẽ dễ dàng thâm nhập hơn.
– Yêu cầu đơn vị thi công thực hiện đúng kỹ thuật khi xây tường nhà. Khi sơn, trát chống thấm cần thực hiện cho cả mặt tường bên trong và bên ngoài ngôi nhà.
- Về vật liệu xây dựng:
– Sử dụng đúng loại gạch xây tường đảm bảo chất lượng. Gạch thẻ đặc sẽ cho tác dụng chống thấm tốt hơn gạch rỗng. Ngoài ra, hiện nay trên thị trường còn có một số loại gạch xây dựng cho khả năng chống thấm, cách nhiệt vượt trội, đơn cử là gạch bê tông khí chưng áp ACC.
– Sử dụng sơn chống thấm thay vì sơn nhà thông thường.
– Sử dụng chất phụ gia chống thấm trộn vào bê tông để có kết cấu ổn định, ngăn ngừa rạn nứt và thấm nước.
Chống thấm cho tường cũ
Đối với tường cũ đã bị thấm dột, có thể xử lý bằng các biện pháp sau đây:
- Vệ sinh, tái tạo tường
– Dùng chổi sắt hoặc máy đánh chuyên dụng để loại bỏ hoàn toàn các vết sơn bong tróc, các mảng vữa liên kết yếu.
– Trám vá lại các vết rạn nứt bằng keo hoặc xi măng chuyên dụng.
– Trong trường hợp tường nhà đã quá xuống cấp, nên cạo bỏ lớp vữa cũ và thay bằng lớp vữa mới đã được pha trộn chất chống thấm.
Việc vệ sinh, làm mới tường giúp tạo mặt phẳng tối ưu cho việc thi công chống thấm. Đồng thời, giúp tránh tình trạng bị đọng nước.
- Sơn mới tường
Đây là phương pháp chống thấm nhanh và hiệu quả cho mặt tường chưa quá xuống cấp. Về cơ bản, sơn chống thấm là một hợp chất hóa học có tác dụng tạo nên lớp màng bảo vệ tường nhà khỏi sự thẩm thấu nước từ các tác nhân bên ngoài.
- Khoan bơm hoặc phun dung dịch chống thấm
Chia tường thành nhiều hàng khác nhau, lần lượt khoan lỗ rồi bơm dung dịch chống thấm vào bên trong bức tường. Hoặc có thể phun dung dịch chống thấm lên bề mặt tường đã được vệ sinh sạch sẽ. Việc phun dung dịch cần được thực hiện nhiều lần, mỗi lần cách nhau 3 – 5 tiếng. Sau 24 giờ, dung dịch thấm vào tường thì tiến hành lăn sơn.
- Chống thấm khe hở nhà liền kề
Giữa bức tường hai nhà liền kề thường có 1 khoảng trống, nước mưa theo đó bị đọng lại và thấm vào tường. Vời trường hợp này, có thể thiết kế máng tôn dọc theo khe tường để hứng và xã nước ra ngoài.
Chống thấm trần nhà, sàn mái, sân thượng
Tương tự như tường nhà, trần, mái, sân thượng đều có thể xử lý bằng cách sơn phủ, sử dụng hợp chất chống thấm. Tuy nhiên, vì đặc trưng bề mặt sân thượng nằm ngang nên sẽ phải tiếp xúc một lượng nước lớn hơn, đòi hỏi giải pháp chống thấm phải thật sự triệt để.
Bảo vệ sàn mái, sân thượng tốt thì trần nhà sẽ không bị thấm dột.
- Dùng nhựa đường
Nhựa đường là hợp chất có khả năng bám dính mạnh và chống nước cực tốt. Mặt khác, nó còn có thể trám bít các vết nứt và khe hở – vốn là nguyên nhân gây thấm dột.
Trước khi quét nhựa đường, cần vệ sinh sạch sẽ mặt phẳng thi công. Sau khi quét, nên phủ thêm một lớp vữa xi măng hoặc lát gạch để đảm bảo chống thấm tuyết đối cũng như tăng tính thẩm mỹ cho sân thượng.
- Dán màng chống thấm
Màng chống thấm có cấu tạo là nhựa bitum – chức năng tương tự như với nhựa đường. Với phương pháp này, người ta sẽ sử dùng màng khò nóng để đun chảy, cố định lớp màng trên mặt phẳng thi công.
- Bơm keo PU – Epoxy
Keo có tác dụng ngăn nước bị rò rỉ qua khe, vết nứt vữa và bê tông. Phương pháp này được thi công bằng cách bơm keo vào các vị trí rò rỉ nước. Phù hợp để áp dụng cho các vết nứt nhỏ từ 0,15 mm – 0,5 mm, độ dày bê tông <= 30 cm.
- Phun, quét lớp chống tinh thể thẩm thấu gốc xi măng
Đây là loại hợp chất có khả năng thẩm thấu vào bê tông, phản ứng với vôi tự do của bê tông để tạo nên tinh thể không tan. Theo đó, chúng sẽ lấp đầy các mao quản nhỏ, ngăn chặn sự xâm lấn nước. Cách chống thấm này khá dễ thi công. Tuy nhiên, nó có hạn chế là khi tiếp xúc lâu dài với ánh nắng mặt trời thì độ bền sẽ bị suy giảm.
Chống thấm nhà vệ sinh, phòng tắm
Có 4 vị trí dễ bị thấm nước ở nhà vệ sinh là: hộp kỹ thuật, các cổ ống đi xuyên sàn, chân tường chỗ tiếp giáp giữa sàn và tường, sàn bê tông nhà vệ sinh. Đặc biệt, phần dẫn nước là nơi dễ bị thấm dột nhất, khi xử lý chống thấm cần kiểm tra kỹ xem hệ thống ống nước có bị nứt gãy, rò rỉ hay không.
Phương pháp chống thấm tường và sàn phòng vệ sinh tương tự với phương pháp chống thấm tường nhà và sân thượng. Gia chủ có thể sử dụng màng chống thấm, màng bitum, nhựa đường, hợp chất sika, sơn, keo chống thấm…Đồng thời, dùng thêm lưới thủy tinh để gia cố cho bề mặt trong của tường, góc tường, chân tường…
Chống thấm tầng hầm
- Chống thấm vách ngoài tầng hầm
Đây là phương pháp được khuyến khích vì nó là chống thấm thuận. Thông thường, người ta dùng màng chống thấm hoặc vữa chống thấm chịu được áp lực nước cao cho vách ngoài tầng hầm. Đối với khu vực có độ sụt lún cao, địa chất không ổn định thì nên sử dụng màng bitum. Bởi lẽ nó có độ co giãn cao, có thể che lấp được các vết nứt, khe kẽ phát sinh trong thời gian sử dụng.
- Chống thấm vách trong tầng hầm
Hay còn gọi là chống thấm ngược – được chỉ định khi không thể thi công chống thấm vách ngoài tầng hầm. Với phương pháp này, người ta thường tập trung xử lý các vết nứt và khe thấm bằng cách phủ hồ dầu, vữa chống thấm.
- Chống thấm sàn đáy tầng hầm
Màng bitum là vật liệu được khuyến khích sử dụng cho sàn đáy tầng hầm. Đồng thời, kết hợp với băng cảng nước đặt tại các mạch dừng và vật liệu chống thấm tinh thể tại vị trí góc cạnh, khu vực xung yếu thì sẽ tạo nên lớp che phủ toàn diện, đảm bảo nước không thể xâm nhập vào bên trong.
Tips kiểm tra chống thấm gia chủ cần biết
Không cần phải chờ công trình trải qua thời gian mưa gió mới kiểm tra được độ chống thấm. Một số tips sau đây sẽ giúp gia chủ chủ động hơn trong vấn đề này:
- Kiểm tra nguyên vật liệu xây dựng
Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm tra độ chống thấm của các nguyên vật liệu xây nhà bằng cách lấy mẫu thử gửi đi kiểm nghiệm. Hoặc thử thủ công bằng cách ngâm với nước. Việc kiểm tra độ chống thấm của nguyên vật liệu sẽ giúp đảm bảo chất lượng tốt hơn cho công trình.
- Ngâm nước để kiểm tra độ chống thấm
Đây là biện pháp thường được áp dụng đối với nhà vệ sinh, sân thượng. Sau 48 – 72 giờ thi công chống thấm, người ta sẽ bơm nước lên bề mặt thi công và ngâm trong vòng 24 giờ. Nếu sau thời gian trên, công trình không phát sinh vấn đề thì sẽ tiếp tục phủ lớp màng bảo vệ chống thấm, sau đó sơn hoặc lát gạch hoàn thiện.
- Chú ý kiểm tra khi xây nhà vào giai đoạn có độ ẩm cao
Thông thường, giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 âm lịch là thời điểm chuẩn bị vào mùa mưa bão ở miền Bắc và miền Trung, còn miền Nam sắp sửa bước vào mùa mưa. Đây là giai đoạn cần gấp rút thi công để không bị gián đoạn bởi thời tiết. Tuy nhiên, chính vì vào thời điểm lân cận mùa mưa và là giai đoạn có độ ẩm tương đối cao nên gia chủ sẽ dễ dàng kiểm tra lỗi thấm nước của các hạng mục xây dựng.
Câu nói “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” đặc biệt phù hợp với việc chống thấm. Bởi lẽ một khi công trình đã bị thấm dột thì không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn tiêu tốn thêm nhiều thời gian và chi phí khắc phục.
Nếu bạn đang có kế hoạch xây dựng nhà ở, hãy lên phương án thiết kế kỹ lưỡng và bảo vệ toàn diện cho ngôi nhà ngay từ ban đầu. Với đội ngũ kỹ sư thiết kế, xây dựng có năng lực chuyên môn và nhiều năm kinh nghiệm, Trang Kim sẽ giúp bạn kiến tạo nên công trình với chất lượng toàn vẹn nhất!
Liên hệ tư vấn: 0985 999 895 hoặc email kientructrangkim@gmail.com.
Nguồn tham khảo:
- https://cafeland.vn/kien-thuc/lam-gi-khi-tuong-bi-tham-nuoc-74711.html
- https://www.chongtham.com.vn/cach-xu-ly-tang-ham/
- https://www.wikihow.com/Waterproof-a-Concrete-House