Bạn có bao giờ thắc mắc điều gì đã khiến kiến trúc nội thất Nhật Bản trở nên độc đáo và thu hút đến vậy? Từ sự đơn giản thanh bình đến vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên, một trong những yếu tố cốt lõi để làm nên điều này chính là lựa chọn đúng vật liệu nội thất. Hãy cùng Ali tìm hiểu kỹ hơn về vật liệu cho nội thất phong cách Nhật qua nội dung sau đây!
Mục lục
1. Đặc điểm nổi bật của nội thất phong cách Nhật Bản
Thiết kế nội thất phong cách Nhật Bản đã trải qua một quá trình lâu dài. Từ nguồn gốc cổ xưa cho đến hiện đại, phong cách thiết kế đã không ngừng thích nghi, thay đổi và kết hợp nhiều ảnh hưởng khác nhau. Tuy nhiên về cơ bản, phong cách thiết kế này luôn có các đặc điểm sau:
1.1. Thiết kế tối giản
Người Nhật vốn coi trọng sự đơn giản. Ngược lại với việc nhấn mạnh vào các vật dụng, thiết kế nội thất phong cách Nhật Bản nhấn mạnh vào các khoảng trống. Việc giữ cho không gian gọn gàng và trang trí giản lược thể hiện được sự thanh lịch và yên bình – vốn được đề cao trong thẩm mỹ Nhật Bản.
Sự thông thoáng trong bố trí nội thất phòng khách Nhật Bản
1.2. Vật liệu tự nhiên
Cả thiết kế truyền thống lẫn hiện đại theo kiến trúc Nhật Bản đều coi trọng yếu tố thiên nhiên. Để thể hiện được điều này, vật liệu cho nội thất phong cách Nhật cần có xuất xứ tự nhiên, tiêu biểu như gỗ, tre, nứa, đá, sỏi… Cây xanh được bố trí trong nhà, đồng thời kết hợp với cảnh quan bên ngoài sẽ làm tôn vẻ đẹp yên bình và làm sâu sắc thêm trải nghiệm cho gia chủ.
Các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên được trưng dụng
Sự kết nối giữa không gian trong nhà với ngoài trời giúp nhấn mạnh yếu tố gần gũi với thiên nhiên. Đó là lý do tại sao nhiều công trình hiện đại của Nhật thường có cửa sổ lớn, cửa kính và cửa sổ mái để tạo sự chuyển tiếp với không gian bên ngoài.
1.3. Màu sắc dịu nhẹ
Bảng màu sắc trong thiết kế nội thất Nhật Bản có thể được chia thành 2 nhóm:
- Màu sắc trung tính: Các màu chủ đạo thường được sử dụng là màu trắng, màu be, màu nâu nhạt, màu xám. Những màu sắc này tạo nên không gian thanh lịch, tinh tế và giúp tâm hồn thư thái.
- Màu sắc lấy cảm hứng từ thiên nhiên: Điển hình là màu xanh lá cây, màu nâu đất, màu vàng nhạt. Chúng được sử dụng một cách có chủ ý để tôn lên vẻ đẹp tự nhiên.
Bảng màu trung tính, lấy cảm hứng từ thiên nhiên
2. Vật liệu cho nội thất phong cách Nhật Bản
Vật liệu đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh các đặc trưng của phong cách thiết kế nội thất. Dưới đây là các vật liệu không thể thiếu khi thiết kế nhà ở kiểu Nhật:
2.1. Gỗ
Gỗ là một trong những vật liệu chủ đạo và được ưa chuộng nhất trong thiết kế nội thất Nhật Bản. Với vẻ đẹp tự nhiên, sự ấm áp và tính bền vững, gỗ mang đến một không gian sống hài hòa, gần gũi với thiên nhiên và thể hiện rõ nét tinh thần của văn hóa Nhật Bản.
Gỗ được sử dụng trong thiết kế nội thất Nhật Bản làm: sàn gỗ, tường nhà, cửa, trần hay các nội thất bàn ghế, tủ, giường….
Gỗ là vật liệu đặc trưng cho nội thất phong cách Nhật Bản
2.2. Tre
Với nguồn gốc tự nhiên và mang đậm nét văn hóa truyền thống, tre đã trở thành một phần không thể thiếu trong việc tạo nên những không gian sống đậm chất Nhật Bản. Mặt khác, tre còn là loại cây trồng nhanh lớn, thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng. Do đó, việc sử dụng tre làm vật liệu cho nội thất phong cách Nhật còn thể hiện được lối sống xanh, tôn trọng tự nhiên.
☛ Tham khảo thêm: So sánh sàn tre với sàn gỗ lựa chọn nào tốt hơn?
2.3. Đá, sỏi
Trong kiến trúc Nhật Bản, đá và sỏi không chỉ là vật liệu xây dựng thông thường. Mà hơn thế nữa, chúng còn là chi tiết thể hiện tính nghệ thuật, tạo sự kết nối với thiên nhiên.
Vậy đá, sỏi được sử dụng như thế nào?
- Ốp sàn, tường: việc ốp sàn nhà hoặc tường hoàn toàn bằng đá có thể đem lại sự lạnh lẽo. Vì thế, trong các ngôi nhà kiểu Nhật, chúng thường chỉ được sử dụng cho một số khu vật nhất định. Điển hình như nhà tắm, sân vườn, tường ngoài hoặc tạo điểm nhấn cho một số khu vực như nhà bếp, phòng khách…
- Bồn hoa, tiểu cảnh: tiểu cảnh với đá, sỏi, cây cỏ sẽ giúp thể hiện sâu sắc tinh thần Zen.
- Vật liệu trang trí: đá và sỏi được sử dụng để làm đồ trang trí như đèn, bình hoa, tượng…
Sự kết hợp giữa gỗ và đá trên một mặt sàn
2.4. Kim loại
Kim loại như sắt, đồng được kết hợp vào thiết kế nội thất Nhật Bản để cung cấp các điểm nhấn và chi tiết trang trí. Chúng thường được sử dụng trong đồ chiếu sáng, phần cứng và dụng cụ trà đạo truyền thống của Nhật Bản. Những kim loại này làm nổi bật sự tinh xảo và thêm một chút tinh tế vào tổng thể thiết kế.
Chi tiết kim loại trong trang trí nội thất Nhật Bản
2.5. Giấy Washi
Giấy Washi được ví như “linh hồn” của thiết kế nội thất Nhật Bản. Đây là loại giấy truyền thống, vốn dĩ được làm thủ công từ các loại sợi thực vật như vỏ cây dâu tằm, cây gai, cây dương đỏ. Giấy Washi nổi tiếng với độ bền cao, vân giấy đẹp mắt và màu sắc tự nhiên.
Chất liệu này thường được ứng dụng làm cửa trượt, vách ngăn và đôi khi là trong các vật dụng trang trí, đèn chiếu sáng cổ điển.
Ứng dụng của giấy Washi
2.6. Sợi tự nhiên
Thiết kế nội thất Nhật Bản thường kết hợp các sợi tự nhiên như cotton, linen và lụa. Các vật liệu này được sử dụng trong dệt may cho đồ bọc ghế, rèm cửa và giường futon truyền thống. Sợi tự nhiên nâng cao tính thẩm mỹ tổng thể bằng cách truyền vào một cảm giác về kết cấu hữu cơ, mềm mại và thoải mái vào môi trường sống.
Ứng dụng của chất liệu vải sợi tự nhiên
2.7. Kính
Kính không chỉ là vật liệu cho nội thất phong cách Nhật Bản hiện đại. Ngày nay, các nhà kiến trúc sư đã khéo léo kết hợp kính vào những không gian truyền thống, tạo nên một nét đẹp độc đáo và tinh tế. Sự kết hợp này không chỉ mang đến ánh sáng tự nhiên mà còn tạo ra cảm giác mở rộng và kết nối với không gian ngoài trời.
Sự kết hợp của kính – chất liệu hiện đại vào thiết kế Nhật Bản truyền thống
3. Điểm đặc biệt cần lưu ý khi chọn vật liệu cho nội thất phong cách Nhật Bản
3.1. Tính hoàn thiện tự nhiên
Người Nhật có xu hướng sử dụng các chất liệu hoàn thiện tự nhiên để bảo vệ cũng như tôn vinh vẻ đẹp vốn có của nội thất. Chẳng hạn, các loại dầu tự nhiên, sáp hoặc sơn mài giúp nâng cao đặc tính của gỗ, giúp vân gỗ nổi bật và tỏa sáng hơn.
Yếu tố này được thể hiện một cách tỉ mỉ và khéo léo trong thiết kế, kết quả là một công trình với thẩm mỹ tinh tế, bền vững theo thời gian.
Người Nhật ưu tiên sử dụng các vật liệu hoàn thiện tự nhiên
3.2. Kết cấu đơn giản
Nội thất Nhật Bản thường có đường nét đơn giản, không cầu kỳ, tập trung vào tính năng. Thậm chí một món đồ có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Kết cấu nội thất đơn giản giúp tối ưu hóa không gian sống.
3.3. Nhấn mạnh công năng
Tính linh hoạt và đa chức năng của vật dụng nội thất được nhấn mạnh trong nhà ở Nhật Bản. Ví dụ như ở hình bên dưới, giường ngủ có thể được gấp gọn và cất đi vào buổi sáng, cho phép tái sử dụng phòng ngủ vào ban ngày.
Nệm ngủ có thể dễ dàng thu gọn để nhường chỗ cho các hoạt động ban ngày
3.4. Đề cao tính bền vững
Tính bền vững trong nội thất Nhật Bản được phản ánh qua xu hướng lựa chọn vật liệu tự nhiên, có chất lượng cao. Lấy ví dụ điển hình như trong việc lựa chọn sàn nhà bằng tre, gỗ. Người ra ưu tiên chọn các loại gỗ cứng, tre già, có vân đẹp mắt. Đồng thời chúng cần được xử lý để chống ẩm mốc, mối mọt nhưng cũng cần đảm bảo không chứa các chất hóa học độc hại nhằm kiến tạo nên một không gian sống an lành.
Sàn nhà bằng gỗ, tre được ưa chuộng trong thiết kế nội thất Nhật Bản
>> Tìm hiểu về sàn gỗ kỹ thuật cho nhà ở theo phong cách Nhật Bản
4. Gợi ý các món đồ nội thất cho nhà ở phong cách Nhật Bản
Trong thiết kế nội thất phong cách Nhật Bản, đồ trang trí luôn được sắp đặt một cách có ý nghĩa và chủ đích. Chúng cũng được bố trí với số lượng hạn chế nhằm đảm bảo yếu tố tối giản.
Nội thất thấp
Ngôi nhà kiểu Nhật thường được bố trí đồ nội thất thấp như zabuton (đệm sàn), chiếu tatami và những chiếc bàn thấp như chabudai. Những món đồ này không chỉ mang tính thẩm mỹ tối giản mà còn thúc đẩy sự thoải mái, đưa mọi người đến gần mặt đất hơn và nuôi dưỡng cảm giác thân mật.
Các món đồ nội thất thấp tạo cảm giác gần gũi
Cửa trượt và bình phong
Fusuma và shoji là những loại cửa và bình phong trượt thường được sử dụng trong thiết kế nội thất Nhật Bản. Chúng phục vụ nhiều chức năng, chẳng hạn như phân chia không gian, mang lại sự riêng tư và lọc ánh sáng.
Futon và Shikibuton
Bộ đồ giường truyền thống của Nhật Bản bao gồm futon (nệm) và shikibuton (nệm mỏng hơn) được đặt trên chiếu tatami. Những lựa chọn giường ngủ này rất linh hoạt và có thể dễ dàng cất giữ hoặc sắp xếp lại để tối ưu hóa không gian.
Đèn và đèn lồng Shoji:
Đèn và đèn lồng lấy cảm hứng từ Shoji là những phụ kiện phổ biến trong thiết kế nội thất Nhật Bản. Những thiết bị chiếu sáng này có chụp đèn bằng giấy washi tạo ra ánh sáng khuếch tán mềm mại, gợi lên bầu không khí thanh bình và yên tĩnh.
Tokonoma
Hốc tokonoma
Tokonoma là một góc tường truyền thống thường thấy trong các ngôi nhà của người Nhật. Nó phục vụ như một không gian để trưng bày các đồ vật nghệ thuật, thư pháp và đồ trang trí theo mùa.
Tóm lại, việc lựa chọn vật liệu cho nội thất phong cách Nhật Bản không chỉ đơn thuần là để tạo ra một không gian sống đẹp. Mà đây còn là cách để thể hiện sự kết nối với thiên nhiên, tôn trọng giá trị truyền thống và đề cao tính bền vững.
Tài liệu tham khảo:
https://www.bhg.com/decorating/decorating-style/japanese-interior-design/
https://www.lovethatdesign.com/article/japanese-interior-design-decoded/