Dân gian Việt Nam rất coi trọng phong thủy nơi ở. Câu ngạn ngữ ”Thứ nhất dương cơ (nơi ở), thứ nhì mồ mả” như là lời giáo huấn cho các thế hệ tiếp theo khi chọn nơi ở, khi làm nhà, mặc dù không có bất kỳ hình thức đào tạo nào, nhưng hầu hết mọi người dân xứ Việt đều có kiến thức phong thủy trong xây dựng nhà ở.
Đó là những kinh nghiệm truyền đời với tính cách là bộ phận của văn hóa dân gian Việt Nam. Nhà ở đặc trưng trong dân gian Việt Nam là nhà của người Mường và nhà của người Kinh.
Nhà ở người Mường
Trong tín ngưỡng dân gian, người Mường coi con rùa là vật linh thiêng, biểu tượng của sống lâu, của trường cửu. Do vậy, nhà ở của người Mường, về hình dáng mô phỏng theo hình con “rùa”: nhà có 4 chân, 4 cột mái, mái sườn là mái nhà, xương sống là đòn nóc, đầu là cửa chạn. Dáng vẻ bề ngoài, nhà có 4 mái, 2 mái trước có hình thang cân, hai mái đầu hồi có hình tam giác cân.Về kết cấu, nhà sàn truyền thống có 2 vì kèo, 4 cột cái, 8 cột con, giữa 2 đầu cột nối với nhau gọi là quết (xà ngang). Có noon tay nối các vì kèo với nhau, trên các đòn tay có các hàng rui nối từ nóc nhà xuống tận mái hiên, trên rui có các hàng mè nằm vuông góc với rui. Trên cùng gác trên đầu các vì kèo (nóc nhà) là đòn nóc hay còn gọi là đòn dông.
Nhà lợp bằng cỏ tranh đan lại thành từng phên dài từ 1,2-1,5m, có nơi lợp bằng lá cọ hoặc rạ đan thành từng phên giống cỏ tranh. Nhà sàn của người Mường được phân ra làm 3 mặt bằng. Tầng trên cùng chứa lương thực, đồ dùng gia đình. Sàn tầng 2 là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi, tiếp khách, bếp lửa đặt ở đây, ở giữa nhà. Gầm sàn, tức tầng 1 để dụng cụ sản xuất và nhốt gia súc. Nhà bố trí 2 cầu thang, cầu thang chính ở đầu hồi bên phải nhà, nơi đây để nước rửa chân trước khi lên nhà, cầu thang phụ đặt ở đầu hồi bên trái nhà, chỉ dùng cho những người trong gia đình lên nhà khi đi làm về.
Bếp đặt ở giữa nhà, trên bếp là bàn thờ. Khách và người nhà thường ngồi quanh bếp trên những chiếc ghế gỗ cao chừng 20-25cm. Bếp luôn có than hồng.
Những yếu tố thần bí trong xây dựng nhà người Mường được thể hiện qua việc chọn ngày lành để cất nóc, tức đặt đòn dông. Dự tính số lượng các đòn tay, rui, mè sao cho gặp chữ sinh, tránh chữ bệnh tử (số 1 là sinh, số 2 là lão, số 3 là bệnh, số 4 là tử, số 5 còn lại là sinh…) như vậy số lượng đòn tay, rui, mè … đó phải là: 5,9,13,17….