Cầu thang được ví như phần xương sống của ngôi nhà. Chức năng chính của cầu thang là kết nối và giúp di chuyển giữa các tầng. Về phong thủy, cầu thang chiếm vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa, lưu chuyển khí. Tìm hiểu cách thiết kế cầu thang cho nhà phố sẽ cung cấp cho gia chủ nhiều kinh nghiệm quý báu khi chuẩn bị xây dựng “tổ ấm” của mình.
Mục lục
1. Vai trò của cầu thang trong nhà phố
Ban đầu, cầu thang được tạo ra đơn thuần để phục vụ nhu cầu di chuyển trong căn nhà. Nhưng càng ngày, cầu thang càng được tích hợp thêm nhiều vai trò.
Những vai trò chính của cầu thang trong nhà phố:
- Giúp di chuyển, kết nối giữa các tầng trong ngôi nhà: Đây chắc chắn vẫn là nhiệm vụ chính của cầu thang trong nhà.
- Tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà: Một chiếc cầu thang đẹp và phù hợp với phong cách thiết kế sẽ làm tăng hiệu ứng thẩm mỹ cho ngôi nhà.
- Lấy ánh sáng: Nhược điểm của nhà phố là bị thiếu sáng, và các ô cầu thang là vị trí hoàn hảo để giúp lấy sáng tự nhiên cho ngôi nhà.
- Thông khí: Khoảng trống liên thông giữa các tầng tại khu vực cầu thang là vị trí lý tưởng để thông khí cho toàn bộ ngôi nhà. Ô cầu thang với giếng trời ở phía trên giống như một “ống khói”. Nhờ dòng đối lưu liên tục hút các dòng khí bên trong nhà ra ngoài và đưa các dòng khí mới từ ngoài vào trong ngôi nhà.
2. Lựa chọn kiểu cầu thang thiết kế cho nhà phố
a. Cầu thang thẳng
☛ Kiểu cầu thang thẳng được sử dụng nhiều cho nhà phố gồm: cầu thang chữ L, cầu thang thẳng, cầu thang uốn cong, cầu thang đổi chiều, cầu thang zigzac…
Ưu điểm:
+ Tạo cảm giác vững chãi, chắc chắn nhưng vẫn có độ uyển chuyển, linh hoạt.
+ Về phong thủy, những loại cầu thang này giúp các dòng khí lưu chuyển thuận lợi giữa các tầng và trong toàn bộ ngôi nhà.
Nhược điểm:
+ Các ô cầu thang chiếm nhiều diện tích của ngôi nhà.
Cầu thang chữ L gồm 2 vế cầu thang, vế thứ 2 được được bẻ góc vuông góc với vế chân thang. Phần chiếu nghỉ đặt ở giữa 2 vế thang.
Cầu thang đổi chiều: vế thang thứ 2 bẻ góc 180o so với vế đầu, ở giữa hai vế thang có chiếu nghỉ.
b. Cầu thang uốn cong
Loại cầu thang này có ưu điểm là tiết kiệm diện tích và tạo điểm nhấn cho ngôi nhà. Nhưng thiết kế cầu thang xoắn lại mắc một số nhược điểm:
- Cầu thang không có chiếu nghỉ
- Di chuyển không thuận lợi do bản thang nhỏ, các bậc thang thiết kế chéo.
- Di chuyển theo hình xoắn ốc có thể gây chóng mặt nếu phải lên nhiều tầng.
- Khó khăn khi cần mang vác các vật dụng.
Còn theo các chuyên gia phong thủy, loại cầu thang xoắn khiến dòng khí bị xoắn lại, không được lan tỏa rộng khắp các phòng trong nhà.
Đối với nhà phố, hai loại cầu thang này thường chỉ nên dùng cho nhà có diện tích quá nhỏ hoặc nhà theo phong cách thiết kế tối giản.
3. Vị trí đặt cầu thang trong nhà phố
Hai vị trí thường được lựa chọn để đặt cầu thang là giữa nhà và cuối nhà. Cầu thang không được khuyến khích đặt phía trước nhà vì vừa thiếu thẩm mỹ, ngăn cản tầm nhìn, lại không tốt cho phong thủy.
Cầu thang giữa nhà
Với cách thiết kế này, sẽ bố trí được nhiều phòng ngủ hơn cho ngôi nhà. Vì vậy phù hợp với gia đình có nhiều thành viên. Vị trí đặt cầu thang này thường sử dụng cho những ngôi nhà có lòng nhà sâu.
Song, cách bố trí này sẽ khiến không gian tầng 1 bị chia tách thành hai. Để hạn chế nhược điểm này, gia chủ có thể lựa chọn thiết kế cầu thang xoay dọc, sẽ tạo được một không gian gần như liên hoàn ở tầng 1.
Cầu thang cuối nhà
Cầu thang ở cuối nhà tạo được không gian liên hoàn ở tầng 1. Trong khi các phòng ngủ ở tầng trên sẽ có diện tích lớn. Nhờ vậy thiết kế phòng ngủ sẽ linh động hơn. Có thể bố trí thêm trong phòng ngủ góc làm việc, góc đọc sách hoặc bàn ghế sofa…
Tuy nhiên, cách đặt cầu thang cuối nhà lại làm hạn chế số lượng phòng ngủ nên không thực sự thích hợp cho gia đình có nhiều người. Ngoài ra, với căn nhà có lòng nhà quá sâu cũng không thích hợp sử dụng cách bố trí cầu thang này.
4. Các nguyên tắc trong thiết kế cầu thang cho nhà phố
Dù là lựa chọn loại cầu thang nào thì khi thiết kế cũng cần tuân thủ các nguyên tắc trong thiết kế cầu thang. Sau đây là những nguyên tắc trong thiết kế cầu thang mà gia chủ nên nắm được.
☛ Đảm bảo sự an toàn
Ngôi nhà hay bất cứ công trình kiến trúc nào thì tính an toàn luôn cần đặt lên hàng đầu. Cầu thang không được thiết kế khoa học, hợp lý thì rất dễ gặp phải tai nạn như vấp, té khi lên xuống. Cần luôn tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật trong thiết kế cầu thang để đảm bảo tính an toàn.
Bề mặt bậc thang cần sử dụng các vật liệu chống trơn trượt như gỗ, hoặc đá đã qua xử lý nhám. Trong đó bề mặt đá sẽ có ưu điểm là khả năng chịu lực cao hơn. Có thể thêm phần nẹp trang trí để tăng thẩm mỹ và chống trượt cho cầu thang.
Lưu ý:
- Cầu thang không quá dốc, độ dốc lớn sẽ gây mất sức khi leo cầu thang.
- Các bậc cầu thang phải thấp để người già và trẻ nhỏ di chuyển thuận tiện.
- Cầu thang phải có tay vịn và tay vịn không quá cao.
- Tăng số chiếu nghỉ nếu khoảng cách hai sàn cao, diện tích chiếu nghỉ không quá nhỏ.
- Sử dụng sàn gỗ hoặc các loại gạch có độ nhám tương đối để hạn chế trơn trượt.
☛ Hài hòa về thẩm mỹ
Cầu thang cần có sự hài hòa về thẩm mỹ, đồng bộ với phong cách thiết kế và nội thất của ngôi nhà. Sự pha trộn giữa các phong cách sẽ làm mất đi tính thẩm mỹ và nhất quán trong thiết kế của ngôi nhà.
Chẳng hạn, cầu thang kính, loại cầu thang đặc trưng cho phong cách hiện đại sẽ không sử dụng cho những căn nhà mang lối kiến trúc tân cổ điển.
☛ Bề rộng bản thang
Bề rộng bản thang cần phù hợp với kích thước của ngôi nhà, tỷ lệ với diện tích căn nhà. Bề rộng bản thang hợp lý đảm bảo việc di chuyển của mọi người khi lên xuống cầu thang được thuận lợi.
Kích thước thường thấy đối với bề rộng bản thang nhà phố là 80cm. Với các diện tích nhà lớn hơn thì bề rộng có thể dao động trong khoảng từ 90 – 120cm.
Với vai người trưởng thành thì độ rộng bản thang khoảng 60cm là đủ để một người di chuyển. Tuy nhiên cần thiết kế bản thang rộng tối thiếu 80cm để trong trường hợp hai người cùng đi cầu thang có thể dễ dàng tránh nhau. Cầu thang rộng cũng thuận tiện cho việc vận chuyển đồ đạc trong nhà.
☛ Số bậc cầu thang nên là số lẻ
Dễ thấy, con người khi lên cầu thang sẽ bước chân thuận đầu tiên. Nếu số bậc là lẻ thì ở bậc cuối cùng cũng sẽ là chân thuận. Như vậy khi bước lên sàn tầng tiếp theo sẽ cảm thấy vững chân hơn.
Cách tính này cũng phù hợp với quan niệm trong phong thủy. Tính theo Sinh – Lão – Bệnh – Tử, bậc cuối cùng của cầu thang nên rơi vào chữ Sinh, hay là bậc 4n + 1, là các bậc lẻ. Ví dụ là 13, 17, 21, 25 bậc.
☛ Độ rộng và độ cao của bậc thang
Độ rộng bậc thang và độ cao phải phù hợp để tránh vấp, ngã khi lên xuống.
Độ rộng bậc thang nên từ 25cm – 28cm. Độ rộng quá nhỏ sẽ không vừa bàn chân. Độ rộng quá lớn ( > 30cm) sẽ ảnh hưởng đến sự cân đối về chiều dài và độ dốc của cầu thang.
Độ cao bậc thang theo tính toán nên từ 15 – 18cm. Đây cũng là chiều cao được tính toán phù hợp nhất với bước chân của người trưởng thành để khi lên cầu thang không bị mỏi.
☛ Độ dốc của bậc thang
Độ dốc nên dao động trong khoảng từ 18° đến 33°. Độ dốc quá lớn sẽ gây mất sức khi leo cầu thang. Độ dốc quả nhỏ lại làm tăng chiều dài vế thang và làm tăng diện tích cầu thang.
Độ cao và chiều rộng bậc thang quyết định độ dốc của thang. Khi tính toán độ cao và chiều rộng bậc cần dựa trên khoảng rộng bước đi. Vì vậy, chiều cao và chiều rộng bậc cần phù hợp với công thức sau:
Trong trường hợp, chiều cao giữa sàn các tầng quá lớn thì nên bố trí thêm chiếu nghỉ ở vị trí hợp lý sẽ giúp người lên cầu thang không bị quá mệt.
☛ Lan can, tay vịn
Một số thiết kế cầu thang hiện đại sẽ bỏ lược bỏ phần lan can, tay vịn của cầu thang. Nhưng về cơ bản, các cầu thang vẫn nên có lan can, tay vịn để đảm bảo an toàn và thuận lợi hơn khi di chuyển.
Chiều cao lan can cần phù hợp với kích thước cơ thể. Chiều cao hợp lý nhất là từ 85 – 90cm. Vật liệu để làm tay vịn cầu thang có thể là gỗ, kim loại hoặc kính…
☛ Chiếu nghỉ cầu thang
Kích thước chiếu nghỉ cần phải rộng hơn bậc thang và đặt ở vị trí hợp lý. Kích thước chiếu nghỉ thông thường là 60cm và tối đa là 90cm. Vị trí chiếu nghỉ nên đặt ở giữa của số bậc của cầu thang.
Phần chiếu nghỉ cầu thang cũng có thể được “biến tấu” để tăng công năng sử dụng và tăng thẩm mỹ cho ngôi nhà. Tham khảo một số thiết kế chiếu nghỉ để tạo điểm nhấn cho cầu thang ở phần sau của bài.
5. Đánh thức những góc “chết” của cầu thang
Phía dưới của cầu thang hay gầm cầu thang là góc “chết” của ngôi nhà. Nhưng bạn hoàn toàn có thể đánh thức nó. Tham khảo một số cách để tận dụng những không gian này hợp lý nhất và thậm chí biến chúng thành những điểm nhấn ấn tượng cho căn nhà.
Thiết kế một bể cá cảnh, hoặc một khu vườn nhỏ dưới gầm cầu thang là ý tưởng rất tuyệt. Nó khiến ngôi nhà trở nên ấn tượng và sinh động hơn.
Không gian dưới gầm cầu thang trông có vẻ nhỏ, nhưng lại rất thích hợp để biến nó thành một phòng đọc sách mini.
Hoặc đặt ở đó những ngăn tủ để đựng đồ đạc trong gia đình. Vừa gọn lại tận dụng được diện tích.
Và còn nhiều “chiêu” để tận dụng không gian của gầm cầu thang khác như biến nó thành một chiếc tủ quần áo, hay một góc để thư giãn với những chiếc gối ôm và ghế nệm… Tham khảo thêm các ý tưởng, vận dụng sự sáng tạo của các thành viên trong gia đình và trao đổi ý định với kiến trúc sư để “thức tỉnh” vẻ đẹp tiềm ẩn trong những góc chết của cầu thang.
6. Sự hài hòa về phong thủy trong thiết kế
Như đã nói ở trên, cầu thang giữ một vai trò rất quan trọng trong phong thủy của ngôi nhà. Vậy nên, hầu hết gia chủ đều rất quan tâm đến vấn đề này. Sau đây là một số điểm cần lưu ý khi thiết kế cầu thang để tốt về phong thủy.
☛ Đặt giếng trời phía trên ô cầu thang
Vị trí giếng trời đặt trên ô cầu thang sẽ giúp lấy sáng và thông khí cho ngôi nhà. Điều này đặc biệt cần thiết cho nhà phố. Về phong thủy, giếng trời đặt trên ô cầu thang mang lại sự cân bằng sinh khí, lan tỏa luồng khí tốt cho toàn bộ ngôi nhà.
☛ Vị trí tránh đặt cầu thang
Cầu thang được đặt đúng hướng tốt sẽ giúp dòng khí tốt lan tỏa, luân chuyển khắp ngôi nhà. Trong khi đó, một số vị trí lại khiến thoát khí của ngôi nhà.
☛ Số bậc cầu thang theo phong thủy
Tính theo Sinh – Lão – Bệnh – Tử thì bậc cuối cùng của cầu thang nên rơi vào chữ Sinh, hay là bậc (4n + 1). Ví dụ là 17, 21, 25 bậc.
Một số quan điểm khác thì cho rằng, thứ tự nên là Sinh – Bệnh – Lão – Tử và bậc cuối cầu thang nên rơi vào chữ Sinh hoặc Lão, tức các bậc lẻ. Theo cách này, thì tính bậc cầu thang sẽ linh hoạt hơn, số bậc cầu thang có thể là 17, 19, 21, 23, 25…
☛ Hạn chế dùng cầu thang xoắn
Cầu thang xoắn ốc sẽ làm xoắn các dòng dương khí trong nhà, khí không lan tỏa được và gây phương hại cho các thành viên trong gia đình, nhất là nam giới.
☛ Cầu thang cần có thành và không hở giữa các bậc lên xuống
Với cầu thang không có thành hoặc xây hở giữa các bậc lên xuống sẽ gây thoát khí.
Một số kiểu cầu thang hiện đại được lược bỏ phần tay vịn, hoặc để trống giữa các bậc. Về mặt ý tưởng thiết kế thì cũng khá là độc đáo và tính thẩm mỹ cao. Nhưng nó sẽ tiềm ẩn nguy hiểm, nhất là nếu nhà có trẻ nhỏ và ảnh hưởng đến sự hài hòa trong phong thủy.
☛ Hạn chế đặt nhà vệ sinh ở gầm cầu thang
Mặc dù việc thiết kế nhà vệ sinh dưới gầm cầu thang là phương án tận dụng diện tích rất tốt. Nhưng đối với phong thủy đây lại là lựa chọn không tốt do luồng khí từ nhà vệ sinh được cho luồng khí xấu.
Hiển nhiên, cầu thang là nơi dẫn khí đi khắp ngôi nhà. Như vậy khi đặt nhà vệ sinh dưới gầm cầu thang, vô tình sẽ khiến luồng khí từ nhà vệ sinh phát tán rộng gây ảnh hưởng tới chất lượng không khí.
☛ Không nên thiết kế cầu thang đứt đoạn
Một ví dụ về cầu thang đứt đoạn là tầng 1 lên tầng 2 đặt ở giữa nhà, nhưng từ tầng 2 lên tầng 3 lại đặt ở phía sau. Dễ thấy cách thiết kế này gây bất tiện khi di chuyển. Nó cũng ảnh hưởng tới việc lấy sáng và thông khí trong nhà.
Về phong thủy cũng ưu tiên sự liền mạch trong thiết kế cầu thang. Cầu thang đứt đoạn ảnh hưởng tới khả năng tụ khí và dẫn khí của cầu thang.
Trên đây là tổng hợp những nguyên tắc mà gia chủ cần nắm được khi muốn chuẩn bị tốt nhất cho việc thiết kế cầu thang cho nhà phố. Việc hiểu các yêu cầu kỹ thuật cũng như các yếu tố phong thủy của cầu thang sẽ mang lại những quyết định sáng suốt nhất cho gia chủ để có một ngôi nhà đẹp, đắc lộc như mong muốn.