Ánh nắng mặt trời không những khiến cho ngôi nhà tươi sáng mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe: tăng cường vitamin D, ngủ ngon hơn, cải thiện tâm trạng… Vậy nên, việc đưa nắng trời vào nhà là điều mà rất nhiều gia chủ quan tâm khi thiết kế. Bài viết sau đây sẽ cung cấp biện pháp chi tiết giúp xử lý vấn đề này.
Mục lục
- 1. Giếng trời
- 2. Lỗ thông tầng
- 3. Làm cửa hoặc vách ngăn bằng kính
- 4. Thiết kế cửa rộng để đón nắng
- 5. Tạo không gian mở
- 6. Chọn màu sơn phù hợp
- 7. Lắp cửa sổ trên tầng mái
- 8. Dựng kệ hoặc vách ngăn bán phần
- 9. Dùng gạch bông gió
- 10. Sử dụng nhựa lấy sáng
- 11. Dùng lam chắn
- 12. Sử dụng lưới võng thông tầng
- 13. Bố trí nội thất hợp lý
- 14. Chọn rèm cửa phù hợp
- 15. Áp dụng khả năng phản xạ của gương
1. Giếng trời
Đây là giải pháp lấy sáng phổ biến và phù hợp với nhà phố, đặc biệt là nhà ống. Giếng trời được thiết kế bằng cách tạo một khoảng không gian thẳng đứng thông từ mái đến tầng trệt của ngôi nhà giúp đón nắng, gió và thông khí từ trên cao xuống các tầng dưới.
Giếng trời không những giúp nhà cửa sáng thoáng mà còn tạo điểm nhấn độc đáo cho không gian. Giếng thường được bố trí kết hợp với cầu thang hoặc đặt tại phòng bếp, ở giữa hoặc cuối nhà.
Gia chủ có thể dùng kính hoặc nhựa polycarbonate trong suốt để che giếng trời. Bạn có thể theo dõi video sau để tìm hiểu về quá trình lắp đặt giếng trời mái kính:
Mái che có thể là dạng trượt hoặc cố định. Trường hợp giếng không có mái che nên chú ý đến việc thoát nước dưới đáy giếng.
Việc thiết kế và thi công giếng trời cần được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tính thẩm mỹ, công năng và sự an toàn, đặc biệt là nhà có trẻ nhỏ. Bạn nên tìm đến những đơn vị thiết kế kiến trúc nhiều kinh nghiệm để được tư vấn.
2. Lỗ thông tầng
Gần giống với giếng trời tuy nhiên khoảng thông tầng không nhất thiết phải xuyên suốt từ trệt lên mái. Nó có thể chỉ kết nối giữa 2 – 3 tầng với nhau, như tầng trệt với tầng hai hoặc tầng hai, ba với tầng áp mái, cũng cùng mục đích là lấy sáng và khí.
Tùy vào diện tích nhà mà có thể bố trí số khoảng thông phù hợp. Ví dụ nhà dài hơn 20m có thể thiết kế hai hoặc ba lỗ thông tầng.
3. Làm cửa hoặc vách ngăn bằng kính
Nhờ khả năng tương tác tự nhiên với ánh sáng, kính là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để luân chuyển ánh sáng tự nhiên từ bên ngoài vào nhà hay giữa các phòng với nhau.
Kính cường lực mỏng hơn vách bê tông, tạo cảm giác rộng rãi, thoáng đãng hơn cho không gian.
Ngoài kính nguyên tấm dạng lớn, bạn cũng có thể lựa chọn gạch kính.
Một số khu vực cần kín đáo như nhà tắm, bạn có thể lắp đặt cửa kính mờ hoặc có màu.
4. Thiết kế cửa rộng để đón nắng
Số lượng cửa càng nhiều và khung càng rộng thì càng nhận được nhiều ánh sáng và gió mát. Mở rộng cửa sổ là một trong những nguyên tắc thiết kế chính của Le Corbusier (một trong những người đặt nền móng cho trào lưu Kiến trúc hiện đại).
Việc xây cửa chính, cửa sổ rộng là cách đơn giản và có khả năng sẽ tiết kiệm kinh phí hơn giếng trời.
Tuy vậy, bạn cũng cần lưu ý bố trí cửa phù hợp để tránh ánh nắng trưa gay gắt hay mưa hắt.
Nếu không có điều kiện để thiết kế nhiều cửa sổ như công trình trên thì cửa sổ dạng băng ngang như căn hộ dưới có thể phù hợp hơn.
5. Tạo không gian mở
Với những khu vực thiếu sáng, gia chủ có thể cân nhắc thiết kế không gian mở. Các vách ngăn không những chiếm diện tích mà còn cản sáng. Bỏ bớt vách tại những vị trí không quá cần thiết có thể tạo khoảng không liền mạch giữa các phòng chức năng, giúp luồng sáng lan tỏa sâu và nhiều hơn vào nhà.
Nhờ sự thông thoáng đó sẽ tạo cảm giác mới lạ, thoải mái cho căn hộ, đồng thời giúp khoảng quan sát được mở rộng hơn.
6. Chọn màu sơn phù hợp
Một yếu tố quan trọng trong việc tăng cường độ sáng nhưng đôi khi không được chú ý đúng mức. Chính là màu sơn! Sơn trên vách, trên trần nhà. Kể cả là mái che cửa hay hiên nhà nơi ánh sáng tự nhiên chiếu xuống và truyền vào nhà bạn.
Để có được loại sơn phù hợp, bạn cần chú ý độ phản xạ ánh sáng (Light Reflectance Value) của sơn thường được đánh giá theo tỷ lệ màu trắng. Giá trị này có thể nằm trong khoảng từ gần 100% đối với màu trắng tinh khiết xuống gần 0% đối với màu đen.
Sự sáng sủa sẽ mang lại vẻ đẹp hiện đại và mở rộng không gian. Đồng thời giúp tạo cảm giác thư thái, nhẹ nhàng cho tổ ấm.
Màu trắng, kem, pastel nói chung có thể phản xạ ánh sáng tốt, hay màu có độ sáng cao (vàng, xanh lá cây nhạt), giúp tiết kiệm năng lượng vì ít cần đến ánh sáng nhân tạo hơn.
Tránh dùng những gam màu nóng, tối gây bí bách.
7. Lắp cửa sổ trên tầng mái
Một khung cửa tại mái nhà có thể tạo nên không gian vừa ấm cúng lại tươi sáng. Đặc biệt là khi tầng áp mái thường có khoảng không nhỏ bé hơn các căn phòng khác trong nhà. Nếu bị bít kín nó có thể trở nên tăm tối và chật chội.
Việc tận dụng ánh sáng tự nhiên ở vị trí này có thể mang đến hiệu quả bất ngờ cho bạn. Không những vậy đây có thể là vị trí quan sát tuyệt vời giúp bạn nhìn ngắm bầu trời đầy sao hay những ngọn cây cạnh nhà.
Có nhiều loại cửa sổ mái khác nhau: dạng xoay, trượt, cố định, có rèm… Cần lưu ý đến cấu trúc và chất liệu khi lắp để đảm bảo an toàn cho kết cấu.
8. Dựng kệ hoặc vách ngăn bán phần
Bạn muốn ánh sáng những vẫn cần chút che chắn? Vậy thì không nhất thiết phải dùng cả vách tường rộng và kiên cố. Với một bình phong hoa văn bằng gỗ, kính màu, kệ trang trí, tấm ngăn phòng kim loại… bằng sự xếp đặt khéo léo vẫn có thể tạo ra một không gian có vừa sự riêng tư nhất định nhưng không quá tối tăm.
Bạn cũng có thể dịch chuyển chúng dễ dàng nếu muốn thay đổi.
9. Dùng gạch bông gió
Còn có tên khác là gạch thông gió hay gạch ô thoáng. Giống như tên gọi, loại gạch này có khả năng hạn chế cảm giác bí bách khỏi những khối gạch tường truyền thống. Vừa giúp lấy sáng hiệu quả còn gia tăng tính thẩm mỹ, gần gũi với tự nhiên.
Gạch thông gió thường được dùng phổ biến nhất ở mặt tiền nhà, kết hợp với giếng trời tạo hoa văn trang trí độc đáo, hoặc có thể sử dụng như vách ngăn, tường bọc cuối nhà ống.
10. Sử dụng nhựa lấy sáng
Đây là loại vật liệu mới đang ngày càng phổ biến ở nước ta. Nhựa lấy sáng được tạo thành bởi nhựa polyeste kết hợp với sợi thủy tinh và sợi carbon, cùng một số phụ gia khác để đảm bảo kết cấu chắc chắn và bền bỉ. Khả năng truyền sáng có thể lên đến 85%, trọng lượng nhẹ.
Nhựa lấy sáng composite có thể dùng làm ô văng cửa, mái cửa sổ, mái che sảnh, mái nhà hoặc mái che giếng trời… như trong video dưới đây:
Loại nhựa thông minh này có kiểu dáng và màu sắc khá đa dạng giúp bạn dễ dàng kết hợp với nhiều phong cách khác nhau: trong suốt pha mờ, caro trắng đục, xanh dương mờ, caro xanh dương, trắng, đỏ…
11. Dùng lam chắn
Đây là một trong những vật liệu lấy sáng được sử dụng phổ biến với nhà phố. Đặc biệt là những căn hộ nằm trong ngõ ngách. Thanh lam có thể xếp theo chiều ngang hoặc thẳng đứng tùy theo yêu cầu thẩm mỹ và kiểu dáng kiến trúc của công trình.
Lam chắn có thể được làm từ nhựa giả gỗ, bê tông hoặc nhôm.
Lắp lam chắn tại mặt tiền nhà vẫn có ánh nắng nhưng cường độ sẽ không quá gay gắt, vừa tránh bớt gió mưa.
Tại khu vực bên trong, lam chắn cũng phát huy tác dụng tương tự, dùng làm vách ngăn giữa các phòng hay tại giếng trời mà vẫn có thể có thể để ánh sáng đi vào.
12. Sử dụng lưới võng thông tầng
Lưới võng là một vật liệu lấy sáng lý tưởng để dùng tại giếng trời hoặc thông tầng, đặc biệt với căn hộ nhỏ. Đây là vật liệu rất phổ biến trên thế giới dù ở Việt Nam chưa được áp dụng rộng rãi.
Chiếc võng lớn được giăng lên vừa là chốn thư giãn thú vị, vừa tạo nên điểm nhấn độc đáo, sáng tạo cho ngôi nhà.
Lưới được làm từ dây dù, cotton hoặc PP có tính đàn hồi và chịu lực tốt, bền chắc.
Mặt dù trông có vẻ mong manh nhưng lưới võng được thi công đúng kỹ thuật có thể chịu sức nặng lên đến hàng trăm kg.
13. Bố trí nội thất hợp lý
Tương tự với màu sơn trên vách và trần, bạn nên ưu tiên lót sàn và các vật dụng trong nhà có màu sắc nhẹ nhàng, theo phong cách tối giản, đặc biệt là màu trắng. Ánh sáng sẽ phản chiếu vào chúng tạo ra hiệu ứng phát sáng.
Tránh những đồ nội thất lớn bằng gỗ thô. Sàn gạch men, đá hoặc gỗ sáng bóng cũng sẽ phản xạ ánh sáng tốt hơn so với thảm. Nếu vẫn thích dùng thảm, bạn nên chọn màu sáng, nhạt và trung tính.
Khi trang trí phòng bạn cần sắp xếp chúng thật khoa học. Đừng quên nguyên tắc: hãy gọn gàng, không làm quá tải không gian! Cũng đừng để bất cứ cái gì che mất những vị trí quan trọng như cửa sổ.
14. Chọn rèm cửa phù hợp
Rèm có tác dụng để che chắn nắng gắt. Tuy nhiên đây là cách lấy sáng thông minh nếu bạn biết cách tận dụng. Rèm cửa màu trắng, nhạt, chất liệu mỏng mịn là phù hợp nhất. Thậm chí, rèm có thể làm cho cửa sổ có vẻ lớn hơn khi được treo đúng cách.
Treo rèm cửa cao hơn đầu cửa sổ và để rèm bao phủ xa hơn ở hai bên làm cho cửa sổ trông cao và rộng hơn, tạo cảm giác thông thoáng.
15. Áp dụng khả năng phản xạ của gương
Để tạo cảm giác rộng sáng cho ngôi nhà, việc đặt những tấm gương lớn là một giải pháp tuyệt vời. Chúng sẽ tạo ra một không gian nơi ánh sáng tự nhiên dễ dàng được khuếch tán. Gương cũng có khả năng mang lại chiều sâu và tạo hiệu ứng bề thế cho căn phòng nên đặc biệt phù hợp với căn hộ có trần thấp.
Không những gương mà một số đồ nội thất khác làm bằng thủy tinh cũng có thể phản xạ như đèn chùm hoặc đồ thủy tinh trang trí.
Nếu muốn tận dụng hơn nữa, bạn có thể lắp đặt các tấm kính trên bệ cửa sổ. Chúng sẽ đưa ánh sáng tự nhiên phản chiếu vào phía trong nhà.
Điều này đặc biệt có ích cho tầng trệt thiếu sáng. Những tấm phản xạ ánh sáng này nghiêng và có thể điều chỉnh tùy trường hợp.
Khi tiến hành thiết kế nhà bạn cần xác định rõ khu vực cần nhiều ánh sáng nhất, phần nào sẽ bị khuất để đưa ra các giải pháp phù hợp. Cần đảm bảo cho căn hộ vừa lấy sáng tốt vừa an toàn, chắc chắn!
Bạn nên lựa chọn công ty thiết kế và thi công uy tín, nhiều năm kinh nghiệm như Trang Kim để xây dựng một tổ ấm xinh xắn đón đủ ánh sáng, khí trời. Cũng như tránh các rủi ro không đáng có nếu tự thiết kế hoặc gặp phải các đơn vị thiếu chuyên nghiệp! Mời bạn liên hệ ngay hotline: 0985 999 895 để được chúng tôi giải đáp tận tình.
Tài liệu tham khảo
- https://vietnammoi.vn/9-cach-dua-anh-sang-tu-nhien-vao-nha-pho-hieu-qua-nhat-20190617144225892.htm
- https://www.rhinov.fr/conseils-deco/amenagement-interieur/lumiere-naturelle/
- https://www.travaux.com/construction-renovation-maison/articles/5-idees-pour-faire-entrer-la-lumiere-naturelle
- https://www.thespruce.com/increase-natural-light-in-your-home-4050531
- https://decoratedlife.com/10-ways-natural-light-dark-rooms/