Trong bối cảnh xây dựng san sát nhau, đặc biệt ở các đô thị lớn, giếng trời trở thành một giải pháp lấy sáng và thông khí được nhiều gia chủ quan tâm. Nhưng phải thiết kế giếng trời ra sao mới hợp lý? Cần đặc biệt chú ý điều gì để tránh sự cố? Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin để giải đáp các thắc mắc của bạn.
Mục lục
Giếng trời là gì?
Giếng trời là một khoảng không gian thẳng đứng được thiết kế thông từ mái đến tầng trệt của công trình, giúp đón gió, ánh sáng và thông khí từ trên cao xuống các tầng dưới. Đồng thời cũng lưu thông khí thải trong nhà ra bên ngoài.
Giếng trời được thiết kế khéo léo không chỉ giúp nhà cửa thoáng sáng mà còn là điểm nhấn ấn tượng cho không gian.
Bản chất giếng trời đã có từ xưa. Đến nay vẫn còn tồn tại trong các ngôi nhà cổ ở Hội An, Hà Nội hay Chợ Lớn (Sài Gòn), có thể có mái hoặc không (kèm với sân trong).
Ngày nay, mật độ xây dựng dày ở thành thị khiến căn hộ dễ bị vây kín, giếng trời cũng được tạo ra để giảm sự bí bách. Việc này nhằm đảm bảo cho sức khỏe của gia đình cũng như tăng thêm sinh khí cho ngôi nhà. Giếng trời đặc biệt quan trọng với nhà ống có mặt tiền nhỏ và chiều sâu lớn, nhà sát vách nhau khó trổ cửa sổ hay nhà có cả 3 mặt giáp với công trình khác.
Cấu tạo của giếng trời
Giếng trời thường được chia làm 3 phần:
– Đáy giếng là phần nằm ở dưới cùng, thường được sử dụng để trang trí, sắp đặt tiểu cảnh, trồng cây… có thể kết hợp cùng phòng khách hoặc phòng ăn.
– Thân giếng được kéo xuyên suốt chiều cao của căn hộ, nhờ đó lấy sáng cho khoảng không bên trên, có thể bố trí thêm cây cảnh hoặc lắp lưới võng… tạo nên không gian xanh, thư giãn cho gia đình.
– Đỉnh giếng là phần cao nhất, cũng là bộ phận trọng yếu của giếng nên phần thiết kế và chọn vật liệu cần đặc biệt lưu ý. Đỉnh giếng có thể có mái hoặc không. Mái của giếng trời có loại cố định và loại di động được.
Cách thiết kế giếng trời khoa học
Giếng trời cần được bố trí hợp lý và suy tính cẩn thận mới có thể khai thác được những đặc điểm hữu dụng:
Vị trí xây dựng
Việc xác định vị trí đặt giếng sẽ căn cứ trên diện tích và chiều dài của căn hộ. Thông thường, giếng sẽ được đặt ở giữa hoặc cuối nhà, những khu vực thiếu sáng hoặc cần thông khí: nhà bếp, phòng ăn, phòng tắm, cầu thang…
Với giếng giữa nhà có thể tận dụng tới 3 mặt (mặt còn lại thường giáp tường biên) nên có thể chiếu sáng cho nhiều khu vực. Vị trí trung tâm cũng dễ thu hút ánh nhìn, tạo ấn tượng thị giác tốt nếu được chăm chút đúng cách, góp phần làm cho các không gian liền kề như bếp hay khu sinh hoạt chung… trở nên sống động hơn.
Kích cỡ giếng trời
Kích thước của giếng có thể linh động tùy diện tích và độ cao công trình. Tuy nhiên, thông thường giếng trời nhỏ nhất nên đạt khoảng 45 x 45cm. Theo khuyến cáo, kích cỡ giếng nên nhỏ hơn 5% diện tích mặt sàn (với nhà nhiều cửa sổ) và nhỏ hơn 15% (nếu có ít cửa sổ). Kích thước phổ biến thường cỡ 4 – 6m2.
Giếng trời trong nhà
Với giếng ở trong nhà, bạn cần lưu ý kỹ yếu tố thời tiết, đảm bảo cân bằng giữa nhiệt lượng và gió ra vào. Thiết kế hợp lý để nhà không quá lạnh lẽo vào mùa đông hay quá oi bức khi đến hè và tránh mưa hắt. Bạn có thể tham khảo một số điểm sau:
- Gia cố phần biên của đỉnh giếng, chừa sắt chờ tại phần góc.
- Tường bao xung quanh đỉnh giếng đạt cỡ 15cm – 1,6m tùy tình hình thực tế.
- Đổ bê tông kích thước khoảng 15 x 15 (cm) tại những trụ góc.
- Chú ý hệ thống thoát nước để khỏi dột hay tràn nước vô nhà. Ví dụ, kích thước ô thông gió là 1 x 1m thì tấm bê tông lấy sáng nên đạt cỡ là 1,2 x 1,2 (m). Với tỷ lệ chiều cao lấy gió cỡ 17cm còn chiều che khoảng 20cm sẽ tạo góc che 40 độ. Kích cỡ này khiến mưa rất khó hắt vào nhà.
Một số gia chủ cẩn thận có thể đặt thêm tấm lưới hứng kính ngay dưới miệng giếng trời nhằm phòng hờ trường hợp kính vỡ (cũng khá hiếm khi xảy ra).
Giếng trời cuối nhà
Giếng đặt ở sau nhà có phong cách khá tự do, bạn cũng không nhất thiết phải đầu tư quá nhiều kinh phí để thiết kế. Giếng tại vị trí này không chỉ dùng để lấy sáng mà còn đón gió đều hơn giếng trong nhà, cũng có thể tận dụng mưa nhẹ tự nhiên.
Nếu giếng thường đón gió mạnh như hướng Tây Bắc có thể lắp thêm thiết bị để điều tiết hoặc thu hẹp diện tích hứng gió.
Giếng trời mái cố định
Loại này được sử dụng khá phổ biến vì lắp đặt đơn giản và dễ sử dụng. Gia chủ có thể chọn vật liệu lấy sáng, chịu nhiệt tốt bằng nhựa poly hoặc kính cường lực.
Tuy vậy, vì tính chất cố định, nên phần mái phải chịu nắng cả ngày sẽ có nguy cơ hấp nhiệt. Trường hợp này có thể dán thêm phim cách nhiệt tại mặt trong hoặc lắp ô gió thoát hơi nóng.
Giếng trời mái di động
Loại mái này có thể mở đóng theo nhu cầu sử dụng. Nhược điểm của nó là giá thành đắt hơn mái cố định. Chủ nhân cũng cần lưu ý tránh bỏ quên mái chưa đóng khi ra khỏi nhà sẽ tạo điều kiện cho kẻ trộm.
Hiện nay, trên thị trường có 3 dạng mái lợp di động có mức giá tăng dần sau đây:
- Mái kéo thủ công: đóng – mở giếng trời bằng công cụ hỗ trợ như: dây kéo và bánh xe trượt trên khung.
- Mái motor điện: gần giống cửa cuốn, bạn có thể dùng điều khiển để đóng mở.
- Mái gắn cảm biến: đây là loại hiện đại nhất, hệ thống cảm biến điện tử sẽ tiếp nhận tín hiệu thời tiết và đóng tự động khi trời mưa, mở ra khi đã tạnh.
Bạn có thể xem thêm về mái giếng di động trong video sau:
Giếng trời không mái che
Một số gia đình xây giếng trời kết hợp với khoảng thông tầng hay vườn nhà. Nên cần để trống cho cây cối phát triển dưới ánh nắng và mưa gió tự nhiên.
Nếu yêu thích loại giếng này, bạn cần lưu tâm áp dụng các biện pháp an toàn chặt chẽ như khung bảo vệ, thiết kế khe hở trần nhà hoặc lắp kính, tường bao xung quanh khoảng không gian hở để tránh nước văng vào gây bẩn các vật dụng khác. Đặc biệt chú ý hệ thống thoát nước mưa không bị tràn, ngập nhà.
Trang trí giếng trời
Phần đỉnh giếng có thể làm đơn giản chỉ với mái trong suốt hoặc khung sắt hoa văn hay đỉnh dáng hình học cách điệu. Tùy vào sở thích của gia chủ phối hợp với kiến trúc sư để tạo ra kiểu dáng ưng ý nhất.
Ở thân và đáy giếng tùy chọn phối cây hay hòn non bộ, tường ốp đá hoặc ngăn bằng lam kính, vách trang trí… Bạn có thể tham khảo thêm những mẫu giếng trời ở phần cuối bài để lấy cảm hứng.
Vật liệu thường dùng trong thi công giếng trời
Khi chọn vật liệu gia chủ cũng nên lưu ý màu sắc tổng thể của căn hộ để chọn màu mái che cho phù hợp. Việc này sẽ tác động đến chất lượng ánh sáng và tính thẩm mỹ.
Bên cạnh đó, khi tiến hành gia công cũng cần xác định rõ mái che cố định hay di động. Khung đỡ tự động hay bán tự động, kết cấu vòm hay tum trượt… tương ứng với hình dạng, độ dốc mái che là vuông, đa giác, chữ V, vòm…
Để cố định mái với khung có thể dùng keo dán hoặc vít đệm cao su. Sau đây là 2 vật liệu thường được dùng làm mái che giếng trời:
Mái che kính
Đây là vật liệu được sử dụng khá phổ biến với độ dày từ 6 – 12mm, giá cả dao động từ 600 – 850.000 đ/m2.
Ưu điểm của kính là người thiết kế có thể điều chỉnh miếng che sao cho độ khúc xạ tương thích với nhu cầu lấy sáng của gia chủ và kết cấu ngôi nhà. Kính cường lực cũng được bọc lớp UV giúp ngăn chặn các tia gây hại.
Kính cường lực sẽ cứng và bền hơn các loại kính thông thường, chịu được tác động của thời tiết như mưa, nắng, gió bão và sự va đập vật lý. Bạn sẽ không phải thay thế kính thường xuyên trong thời gian sử dụng.
Chất liệu kính có bề mặt bóng, nhẵn, ít bám bụi, dễ vệ sinh.
Tuy nhiên kính cường lực thường có trọng lượng nặng nên cần lưu ý khi vận chuyển và thi công.
Mái che bằng nhựa Poly
Loại nhựa lấy sáng này có độ cứng khá cao, gấp 200 lần so với kính thông thường, chịu va đập tốt, khó bị ăn mòn hay nứt nẻ.
Nhựa Poly có khả năng cách âm và cách nhiệt tốt, làm giảm 40 đến 80% nhiệt lượng truyền từ ngoài trời vào nhà. Mặt ngoài nhựa cũng được phủ lớp chống tia UV. Màu sắc và mẫu mã khá đa dạng, có thể chịu uốn nhẹ, phù hợp với nhiều phong cách thiết kế.
Trong lượng khá nhẹ, dễ thi công. Giá thành phụ thuộc vào độ dày và loại nhựa từ dòng phổ thông đến cao cấp, dao động khoảng 220.000 – 1.500.000đ/m2.
Sau đây là video quy trình lắp đặt mái giếng bằng nhựa Poly:
Tuy nhiên, nhựa Poly sẽ dễ trầy xước hơn kính, gia chủ có thể phải thay mới thường xuyên hơn kính để đảm bảo thẩm mỹ. Loại vật liệu này cũng tương đối nhạy cảm với một số hóa chất, bạn nên dùng chất tẩy rửa chuyên dụng khi làm vệ sinh. Khả năng lấy sáng của nhựa Poly cũng sẽ kém hơn chút so với kính cường lực
5 sai lầm thường gặp và lưu ý khi thi công giếng trời
1. Làm tường phẳng nhẵn
Bản chất giếng trời là một cái ống, vì vậy âm thanh truyền trong giếng trời rất vang và rõ. Nếu mặt tường trong giếng trời làm trơn, phẳng sẽ khiến âm thanh bị vang, người ngồi tầng dưới nói chuyện, người tầng trên có thể nghe thấy, ảnh hưởng đến tính riêng tư. Do đó, mặt trong tường nên có một số mảng nhám, sần để tiêu âm như ốp đá tự nhiên, gạch thẻ, sơn gai, gạch trần… Đây cũng là thủ pháp trang trí cho khu vực thông tầng.
2. Thiết kế rườm rà
Đừng quên chức năng chính của giếng là thông khí và đón sáng chứ không phải để trang trí. Nếu nhà bạn đã có đủ lượng sáng cần thiết hoặc giếng trời gây ảnh hưởng đến kiến trúc tổng thể thì nên hạn chế hoặc không thiết kế giếng trời, tránh gây phiền hà cho sinh hoạt. Giếng cũng không nên làm rườm rà, quá nhiều chi tiết và bộ phận thừa có thể ảnh hưởng đến chức năng của giếng.
Đèn chiếu, cây cảnh treo vách phải trong tầm với hoặc có giải pháp kiểm soát an toàn để dễ dàng chăm sóc, bảo dưỡng.
Nếu dưới giếng không phải là khu vực cố định như tiểu cảnh, hồ cá mà là nơi sinh hoạt hay đi lại thì không nên trang trí đèn, cây hay đồ vật nặng tránh gây nguy hiểm.
3. Không chú ý đến việc thoát nước sàn
Nếu muốn kết hợp giếng trời với vườn cảnh, bạn phải bố trí hệ thống thoát nước sàn cùng mái che hợp lý. Nếu không lượng nước mưa ứ đọng có thể làm ẩm, hỏng mặt sàn và gây úng chết cây.
4. Lan can thấp hoặc khe hở rộng
Khoảng thông tầng sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm nếu gia chủ không chú ý các tiêu chuẩn an toàn. Đặc biệt là nhà có trẻ nhỏ, tại ví trí cửa sổ, hành lang hay cầu thang tiếp giáp với giếng phải có lan can hoặc hoa sắt đủ cao và khe hở đủ kín để các em không thể leo trèo qua.
5. Mái che không đủ dày
Việt Nam là nước nhiệt đới nên ánh nắng vào mùa nóng có thể cực kỳ gay gắt, nhất là buổi trưa khi mặt trời thẳng đứng có khả năng gây thừa sáng. Mặt sàn, cầu thang gỗ hay các đồ nội thất khác trong vùng này có thể bị bạc màu thậm chí hư hỏng. Bạn có thể lắp thêm hệ thống rèm dưới mái để che bớt và điều tiết lượng nắng chủ động hơn.
Một số mẫu giếng trời đẹp cho căn hộ bừng sáng
Giếng trời có thể thay đổi hoàn toàn cảm giác của căn phòng. Không chỉ là ánh sáng hay không khí, chúng còn mở rộng không gian. Với khu vực thấp trần, giếng có thể làm cho mái có vẻ cao hơn. Bạn cũng có thể ngắm nhìn bầu trời với những vì sao và mây bay hay ăn cơm dưới những tán cây.
Tùy vào mẫu thiết kế, vật liệu, loại giếng và diện tích mái mà chi phí làm giếng sẽ khác biệt. Đồng thời, việc thi công giếng còn liên quan đến tính an ninh và thẩm mỹ của cả căn hộ nên cần tham khảo ý kiến của người có chuyên môn. Nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp lấy sáng, thông khí cho nhà mình, hãy liên hệ với Trang Kim qua hotline 0985 999 895 (kèm Zalo). Đội ngũ kỹ sư và kiến trúc sư của Trang Kim sẽ đưa ra cho bạn giải pháp an toàn và phù hợp nhất.
Tài liệu tham khảo
- https://vov.vn/doi-song/nha-dep/nhung-dieu-chu-nha-can-luu-y-khi-thiet-ke-gieng-troi-850013.vov
- http://www.home-designing.com/modern-residential-indoor-skylight-design-ideas