Thông gió là một trong những nguyên tắc quan trọng khi thiết kế nhà ở. Đặc biệt, trong điều kiện đất đai ngày càng chật hẹp, phần lớn nhà phố hiện nay đều có chung đặc điểm kín gió và khá bí bách. Bạn đang sở hữu ngôi nhà như thế? Hãy tham khảo các giải pháp thông minh và cách chọn hướng nhà giúp thông gió tự nhiên hiệu quả ngay sau đây!
Mục lục
- Thông gió là gì?
- Ảnh hưởng của thông gió đến ngôi nhà và chất lượng sống
- Các phương pháp thông gió phổ biến hiện nay
- Cơ chế hoạt động của hệ thông gió tự nhiên
- Giải pháp thông gió tự nhiên tối ưu cho nhà phố
- Hướng đón gió có lợi và bất lợi cho ngôi nhà
- Tham khảo thêm một số ý tưởng thông gió tự nhiên cho nhà phố
Thông gió là gì?
Hiểu một cách đơn giản, thông gió là sự điều hướng có chủ ý dòng không khí bên trong và bên ngoài ngôi nhà. Mục đích nhằm đưa không khí và gió tự nhiên từ bên ngoài vào và đẩy không khí cũ từ bên trong ra. Qua đó, hoạt động thông gió giúp duy trì chất lượng không khí, kiểm soát nhiệt độ, góp phần đem lại nguồn ánh sáng tự nhiên và sinh khí cho ngôi nhà.
Ảnh hưởng của thông gió đến ngôi nhà và chất lượng sống
Một ngôi nhà không được thiết kế hệ thống thông gió hợp lý thì sẽ dẫn đến rất nhiều vấn đề đáng e ngại. Có thể kể đến như:
- Chất lượng không khí kém
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chất lượng không khí trong nhà tại các đô thị lớn có thể ô nhiễm gấp 5 -10 lần so với ngoài trời. Điều này đến từ nhiều nguyên nhân như hoạt động bếp núc, WC, khói thuốc lá… Hoặc sự tích tụ những hạt bụi li ti từ vải bọc ghế, chăn, ga, khăn gối và các món đồ nội thất. Nếu cấu trúc ngôi nhà khép kín, không khí trong lành không thể lưu thông thì chất lượng không khí sẽ kém đi.
- Hàm lượng CO2 cao
Chúng ta đều biết rằng con người hấp thụ khí oxy (O2) và sản sinh ra khí carbon dioxide (CO2). Nếu nhà thông gió kém, nồng độ CO2 sẽ tích tụ nhiều trong không khí. Đồng thời, lượng khí oxy cũng sẽ bị giảm đi. Sống trong môi trường có hàm lượng CO2 cao khiến con người dễ bị đau đầu, khó thở và mệt mỏi.
- Tình trạng nấm mốc
Độ ẩm cao và thông gió kém dẫn đến sự gia tăng của nấm mốc trên tường, trần, sàn nhà và các món đồ nội thất. Điều này không chỉ tác động xấu đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình mà còn khiến gia chủ phải tốn kém chi phí sửa chữa, vận hành nhà ở.
Các phương pháp thông gió phổ biến hiện nay
Từ những hệ lụy vừa nêu, có thể thấy được tầm quan trọng của việc thiết kế hệ thống thông gió. Hai phương pháp thông gió nhà ở phổ biến hiện nay là thông gió tự nhiên và thông gió nhân tạo.
Thông gió tự nhiên
Thông gió tự nhiên là sự lưu thông không khí từ bên ngoài vào bên trong nhà mà không cần dùng đến quạt hay các hệ thống cơ khí. Điều này có thể đạt được bằng cách thiết kế kiến trúc nhà ở hợp lý, cho phép tận dụng gió trời. Hoặc cũng có thể thông gió nhờ sự khác biệt về nhiệt độ và áp suất giữa các không gian.
Thông gió nhân tạo
Trái với thông gió tự nhiên, thông gió nhân tạo (còn gọi là thông gió cưỡng bức) được tạo ra bằng các thiết bị máy móc, cơ khí. Phương pháp này tốn kém chi phí vận hành nên thường chỉ được áp dụng khi hệ thống thông gió tự nhiên không đủ hiệu quả.
Cơ chế hoạt động của hệ thông gió tự nhiên
Về cơ bản, thông gió tự nhiên cho nhà ở thường dựa trên 2 cơ chế: áp lực nhiệt và áp lực gió. Hiểu rõ nguyên lý của 2 cơ chế này sẽ giúp chúng ta thiết kế được hệ thông gió tự nhiên tối ưu.
Thông gió từ áp lực nhiệt
Nguyên lý hoạt động của thông gió áp lực nhiệt dựa trên sự chênh lệch nhiệt độ của không khí. Không khí nóng và khô sẽ nhẹ hơn và bốc lên cao. Ngược lại, không khí lạnh và ẩm nặng hơn nên sẽ chìm xuống dưới. Qua đó, tạo thành dòng không khí luân chuyển dạng đối lưu tự nhiên.
Phương pháp áp lực nhiệt thường được ứng dụng cho nhà ống. Để áp dụng hiệu quả, khi thiết kế nhà ở cần tính toán giải pháp dẫn và thoát khí nóng hợp lý. Đồng thời, bố trí cửa đón không khí lạnh đúng chuẩn về kích thước, độ mở và độ hứng gió.
Thông gió từ áp lực gió
Thông gió từ áp lực gió được thực hiện bằng cách mở cửa thoát gió ở hai mặt nhà khác nhau, nhờ đó nguồn gió được lưu thông ra – vào một cách hợp lý.
Ưu điểm của thông gió từ áp lực gió là có thể tạo ra tốc độ gió lớn hơn so với phương pháp áp lực nhiệt. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi ngôi nhà cần có hai mặt thoáng (thường là mặt tiền và mặt hậu) thì gió mới có thể lưu thông hiệu quả. Do đó, nó thường chỉ được áp dụng đối với dạng nhà biệt thự, nhà có diện tích lớn.
Giải pháp thông gió tự nhiên tối ưu cho nhà phố
Bố trí cửa vào – ra dựa trên khí hậu và cảnh quan
Theo nguyên lý áp lực gió, cửa đón gió vào nhà cần được đặt tại vị trí đầu ngọn gió và thấp hơn so với cửa thoát gió ra ngoài. Tốt nhất nên bố trí cửa gió vào – gió ra ở hai phía đối diện. Tránh bố trí cửa cùng một phía, gió sẽ luẩn quẩn, không lưu thông được.
Mặt khác, việc bố trí cửa thông gió cần dựa trên đặc điểm khí hậu và cảnh quan ngôi nhà. Bởi lẽ, tùy thuộc vào từng vùng miền địa lý và vị trí ngôi nhà, hướng gió cũng như lưu lượng gió sẽ có sự khác biệt.
Thiết kế giếng trời
Giếng trời là giải pháp thiết kế thông gió thông minh dành cho nhà ống. Theo tư vấn từ các chuyên gia kiến trúc, nên đặt giếng trời tại vị trí trung tâm ngôi nhà để không khí và ánh sáng tự nhiên được lan tỏa đồng đều. Ngoài ra, gia chủ cũng có thể tận dụng giếng trời làm tiểu cảnh, mang cây xanh vào không gian sống.
Sử dụng lam chống nắng hoặc gạch bông gió
Lam chống nắng và gạch bông gió không chỉ là “tấm lá chắn” mưa nắng cho ngôi nhà, mà còn còn có tác dụng giữ cho không gian thông thoáng, không khí lưu thông. Cấu tạo với các khe, lỗ hở của lam chống nắng và gạch bông gió cho khả năng hút gió và thoát nhiệt hiệu quả. Bên cạnh đó, chúng còn là điểm nhấn ấn tượng cho công trình.
Bố trí ống thông gió mái nhà
Lắp đặt ống thông gió mái nhà là giải pháp khá đơn giản mà hữu ích. Dựa trên nguyên lý thông gió áp lực nhiệt, ống thông gió có thể làm cho không khí bên trong và bên ngoài căn nhà lưu thông một cách dễ dàng mà không cần đến tác động của thiết bị cơ khí hay máy móc.
Hướng đón gió có lợi và bất lợi cho ngôi nhà
Hướng của ngôi nhà cần thuận lợi cho việc thông gió và tránh tiếp xúc trực tiếp với bức xạ của ánh mặt trời. Trong trường hợp hướng đón gió và tránh nắng mâu thuẫn nhau, hướng của ngôi nhà có thể điều chỉnh lại trong khoảng từ 10 – 30 độ để không làm mất hiệu quả thông gió.
Dưới đây là hướng đón gió tốt nhất và hướng nhà bất lợi mà gia chủ nên tránh.
Hướng gió nên đón
Do vị trí địa lý và đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa của nước ta, hướng Nam luôn là hướng gió chủ đạo. Mặt khác, chọn nhà hướng Nam sẽ tránh được nắng chói từ phía Đông (hướng mặt trời mọc); nắng gay gắt từ phía Tây (hướng mặt trời lặn) và gió lạnh từ phương Bắc.
Hướng Nam theo quan niệm phong thủy của người Việt còn là hướng đem lại nhiều sinh khí. Cũng chính vì thế mà người xưa có câu: “Làm nhà xoay cửa hướng Nam – Xoay lưng hướng Bắc, không làm cũng no”.
Ngoài hướng chính Nam, hướng Đông Nam cũng rất thuận lợi để đón gió – lấy sáng tự nhiên cho ngôi nhà.
Hướng nhà cần tránh
Theo nhận định của PGS.TS Phạm Đức Nguyên (trường Đại học Xây dựng Hà Nội), các hướng nhà bất lợi ở nước ta theo thứ tự là: Tây, Đông, Tây Bắc, Tây Nam. Đây là các hướng chịu bức xạ trực tiếp từ mặt trời nên sẽ gây ra sự nóng bức, ngột ngạt cho gia chủ.
Nếu nhà rơi vào các hướng trên, cần tận dụng cây xanh để che chắn. Đồng thời sử dụng vật liệu ngoại thất có khả năng giải nhiệt khi tắt nắng.
Tham khảo thêm một số ý tưởng thông gió tự nhiên cho nhà phố
Nhìn chung, để nhà phố thông gió hiệu quả cần có sự kết hợp tổng hòa từ nhiều yếu tố: kết cấu xây dựng, hướng nhà, nội – ngoại thất phù hợp… Cho nên tưởng chừng như đơn giản, nhưng thực tế thông gió tự nhiên đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng, chuẩn xác.
Nếu bạn chưa có kinh nghiệm thiết kế hệ thống thông gió cho ngôi nhà của mình, hãy để lại thông tin ở mục Yêu cầu tư vấn bên dưới hoặc gọi vào hotline 0985.999.895. Đội ngũ kiến trúc sư Trang Kim sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ 24/7!
Nguồn tham khảo:
https://cafeland.vn/xu-huong/nha-chat-trong-hem-lam-sao-don-gio-va-anh-sang-48179.html
https://www.archdaily.com/963706/back-to-basics-natural-ventilation-and-its-use-in-different-contexts
https://www.houzz.com.au/magazine/stay-cool-6-ways-to-boost-natural-ventilation-in-your-home-stsetivw-vs~102687271