Chống nóng cho ngôi nhà luôn là mối quan tâm của nhiều gia chủ. Nhất là với thời tiết nóng ẩm đặc trưng ở Việt Nam, vào những ngày mùa hè, các công trình phải hấp thụ một lượng nhiệt rất lớn. Điều này không chỉ làm giảm tuổi thọ ngôi nhà mà còn khiến các thành viên trong gia đình luôn cảm thấy bí bách, mệt mỏi. Vậy làm thế nào để nhà ở được thông thoáng, mát mẻ? Hãy cùng theo dõi qua nội dung sau đây!
Mục lục
Nguyên nhân khiến nhà bị nóng
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà bị nóng. Việc xác định đúng nguyên nhân sẽ giúp chúng ta lựa chọn được giải pháp chống nóng phù hợp, hiệu quả cho ngôi nhà mình.
Nhà ở hướng Tây
Chúng ta đều biết rằng mặt trời mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây. Cho nên, ngôi nhà hướng Tây sẽ phải nhận cường độ bức xạ nhiệt rất lớn, đặc biệt là trong khung giờ từ 12h00 – 16h00 hằng ngày. Hay nói cách khác, đây chính là hướng đón nắng trực tiếp. Vì thế, khi xây nhà ở hướng Tây, gia chủ cần tính đến các giải phải chống nóng, cách nhiệt cho phần mặt tiền.
Thông gió kém
Chống nóng và thông gió luôn là hai vấn đề song hành cùng nhau. Nếu thông gió kém, không khí trong nhà sẽ không được lưu thông, dẫn đến việc khí nóng bị quẩn trong nhà, gây ra tình trạng bí bách, ngột ngạt. Ngược lại, thông gió tốt sẽ khiến không khí lưu chuyển nhanh, không gian thoáng đãng hơn.
Cách nhiệt cho tường và trần nhà không tốt
Việc cách nhiệt không tốt cho phần mái và trần nhà cũng là một trong các nguyên nhân chính gây ra tình trạng nóng bức. Bởi lẽ, đây chính là những bộ phận tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Trong những ngày nắng gắt, việc hấp thu quá nhiều nhiệt lượng khiến cho chúng luôn tỏa ra khí nóng khắp căn nhà. Đặc biệt, khi sử dụng các vật liệu như mái tôn, tường kính… lượng bức xạ mặt trời sẽ lại càng lớn hơn. Dù có che rèm hay mở cửa đón gió, bạn vẫn sẽ cảm thấy ngôi nhà bị nóng hừng hực.
Sử dụng nhiều thiết bị, vật dụng tỏa nhiệt
Các thiết bị điện tử như tivi, tủ lạnh, lò vi sóng, bếp nấu ăn… đã trở thành những vật dụng không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày của con người. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, chúng tỏa ra nhiệt lượng đáng kể. Càng sử dụng nhiều thiết bị, nhiệt lượng càng lớn. Và đây cũng chính là nguyên nhân khiến ngôi nhà bị nóng hơn.
Nguyên nhân khách quan do môi trường
Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ trái đất ngày càng nóng lên. Tình trạng đô thị hóa nhanh chóng, dân số đông và ngày càng nhiều công trình được xây dựng khiến không gian trở nên chật hẹp, gió kém lưu thông… là những nguyên nhân khách quan mà chúng ta không kiểm soát được. Điều này đã làm cho việc chống nóng càng trở thành vấn đề đáng lưu tâm khi xây dựng nhà ở.
Giải pháp chống nóng hữu hiệu cho nhà ở
Xử lý mặt tiền để chắn nắng
Nếu ngôi nhà nằm ở hướng đón ánh nắng trực tiếp, giải pháp chống nóng hữu hiệu nhất là che chắn cho khu vực mặt tiền.
Trong trường hợp căn nhà của bạn vẫn đang nằm trên bản vẽ, hãy lên phương án xây dựng sao cho mặt tiền hạn chế đón nắng nhất có thể. Ví dụ như xoay mặt tiền thành một góc chếch 10 – 45 độ so với hướng chính diện. Hoặc chừa ra khoảng sân để làm hàng rào che chắn; xây dựng tường 2 lớp để cách nhiệt…
Còn trong trường hợp ngôi nhà đã hoàn thiện, gia chủ có thể xử lý phần mặt tiền để tránh nắng bằng cách lắp thêm mái che; dùng lam chắn; trồng thêm cây xanh ở trước nhà…
Chống nóng cho tường và mái nhà
- Mái nhà
Đối với phần mái nhà, gia chủ có thể tham khảo một số phương pháp chống nóng đang được áp dụng phổ biến như:
– Lợp thêm mái: thay vì một lớp mái thông thường, chúng ta có thể lợp thêm một lớp mái ngói hoặc gạch cách nhiệt để đảm bảo mát mẻ vào mùa hè và giữ ấm vào mùa đông.
– Phủ lớp cách nhiệt chống nóng: phương pháp này thường áp dụng đối với nhà mái bằng hoặc mái tôn. Theo đó, mái nhà sẽ được phủ tấm cách nhiệt để giảm hấp thụ ánh nắng mặt trời. Trên thị trường hiện nay có khá nhiều sản phẩm cách nhiệt khác nhau, với các chất liệu như bông thủy tinh, xốp, cao su EPDM…
– Sử dụng hệ thống phun sương để làm mát cho mái nhà.
– Thiết kế trần thạch cao để tạo một lớp ngăn nhiệt tác động trực tiếp xuống phần dưới nhà.
- Tường nhà
Tương tự như phần mái nhà, túi khí hoặc tấm cách nhiệt cũng được sử dụng để chống nóng cho các bức tường. Ngoài ra, đối với mặt tường ở hướng đón nắng, việc xây hai lớp gạch sẽ đem đến hiệu quả cao và bền vững.
Tăng cường thông gió
Thông gió sẽ giúp cho ngôi nhà thông thoáng, mát mẻ hơn. Một số phương pháp thông gió tự nhiên dễ thực hiện là:
– Thiết kế giếng trời: giúp thoát khí nóng và lấy được gió tự nhiên. Ngoài ra, giếng trời cũng giúp lấy sáng hiệu quả cho nhà ống.
– Bố trí cửa đón gió và thoát gió.
– Sử dụng gạch bông gió: với cấu tạo gồm nhiều khe hở, loại gạch này có khả năng hút gió và thoát nhiệt nhanh. Bên cạnh đó, gạch bông gió cũng được sử dụng như một “tấm cách nhiệt” cho tường nhà.
– Lắp đặt ống thông gió cho mái nhà.
Sử dụng vật liệu chống nóng, cách nhiệt
Gia chủ có thể sử dụng một hoặc đồng bộ nhiều loại vật liệu có tác dụng chống nóng cho ngôi nhà, cụ thể như:
- Tấm polycarbonate chống nóng
Polycarbonate là vật liệu nhựa tổng hợp thường được sử dụng nhằm mục đích lấy sáng cho ngôi nhà. Tuy nhiên bên cạnh đó, nó còn cho khả năng chống tia UV, giảm hấp thụ nhiệt rất hiệu quả. Hiện nay, nhiều công trình đang sử dụng tấm polycarbonate thay cho kính thông thường.
- Sơn cách nhiệt
Với công nghệ sản xuất tiên tiến, một số dòng sơn hiện nay có hệ số dẫn nhiệt thấp, làm giảm lượng hấp thụ tia UV và tăng cường chống nóng. Theo chuyên gia, hiệu quả của sơn cách nhiệt phụ thuộc ở độ dày. Lớp sơn càng dày sẽ càng tạo nên một lớp màng che phủ hữu hiệu cho ngôi nhà.
- Nhóm vật liệu có nguồn gốc tự nhiên như gỗ, tre, nứa
Nhóm vật liệu thân thiện với môi trường như gỗ, tre, nứa không chỉ mang đến vẻ đẹp tự nhiên mà còn giúp ngôi nhà thêm thoáng mát. Theo nhận định của giới kiến trúc sư, gỗ, tre, nứa đều là loại vật liệu đáp ứng được các đặc tính cơ bản về xây dựng; có độ bền, khả năng chịu lực tốt. Và đặc biệt, chúng không có tính tỏa nhiệt như bê tông, cốt thép.
Màu sắc tường nhà và nội thất hợp lý
Nhiều nghiên cứu cho thấy màu sắc có ảnh hưởng trực tiếp đến việc hấp thụ nhiệt. Trong đó, các tông màu lạnh như trắng, kem, xám nhạt, xanh nhạt… hấp thu nhiệt chậm hơn so với các tông màu nóng. Cho nên, màu lạnh chính là lựa chọn lý tưởng để sơn nội và ngoại thất ngôi nhà.
Bên cạnh đó, màu sắc của các vật dụng nội thất cũng có ảnh hưởng đáng kể. Nên sử dụng đồ đạc nội thất có nguồn gốc tự nhiên như gỗ, đá hoa cương… với màu sắc trang nhã, trung tính. Đồng thời, không bố trí quá nhiều vật dụng sẽ khiến không gian chật chội, bí bách, cản trở không khí lưu thông.
Trồng cây xanh
Trồng cây xanh là giải pháp chống nóng hữu hiệu mà lại không tốn kém quá nhiều chi phí. Nếu xung quanh không gian sống của bạn đang thiếu những mảng xanh thì hãy lên phương án trồng cây ngay từ bây giờ.
Một số vị trí bố trí cây xanh làm tăng hiệu quả chống nóng là mặt tiền, ban công, sân thượng. Ngoài ra, gia chủ có thể cân nhắc trồng cây dây leo bám xung quanh nhà để che chắn ánh nắng mặt trời.
Các giải pháp cải thiện khác
- Rèm cửa
Rèm cửa là một trong những “trợ thủ đắc lực” để ngăn chặn nắng nóng chiếu vào nhà. Nên chọn những loại rèm được làm từ chất liệu cho khả năng cách nhiệt như vải cách nhiệt, vải tráng sillicon, nhựa pvc cách nhiệt… Và lưu ý, chỉ cần che rèm vào thời gian ban ngày. Còn thời điểm buổi sáng và tối, nên mở rèm cửa ra cho gió dễ lưu thông.
- Sử dụng quạt, điều hòa hợp lý
Không thể phủ nhận tác dụng làm mát của các thiết bị cơ học như điều hòa, quạt điện. Để đảm bảo không khí và gió được lưu thông khắp căn phòng, khi sử dụng các thiết bị này, gia chủ lưu ý điều chỉnh cánh quạt quay đều các phía thay vì đứng yên một chỗ. Mặt khác, không nên lạm dụng quạt và điều hòa quá mức gây tốn kém điện năng và ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Giảm thiểu các thiết bị điện
Như đã đề cập ở phần nguyên nhân, việc sử dụng quá nhiều thiết bị điện sẽ tỏa ra nhiệt lượng khiến ngôi nhà trở nên nóng bức hơn. Do đó, gia chủ nên tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết. Đồng thời, tránh việc sử dụng nhiều thiết bị máy móc cùng một lúc.
Đèn sợi đốt tỏa ra nhiệt lượng khá cao. Nếu gia đình bạn đang sử dụng loại đèn này, hãy thay thế chúng bằng đèn huỳnh quang.
Tham khảo thêm một số thiết kế chống nóng thông minh cho nhà phố
Như vậy, Trang Kim vừa gửi đến bạn đọc những nguyên nhân cũng như cách chống nóng hiệu quả cho nhà ở dân dụng. Chỉ cần áp dụng một trong các cách nói trên, bạn đã có thể giúp ngôi nhà giảm thiểu oi bức trong những ngày hè sắp tới.
Nếu bạn đang băn khoăn về phương án thiết kế nhà sao ở cho đảm bảo thông thoáng, mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, đừng ngần ngại liên hệ hotline 0985.999.895 để được đội ngũ kiến trúc sư Trang Kim hỗ trợ nhé!
Nguồn tham khảo:
- https://baoxaydung.com.vn/nguyen-nhan-va-cach-chong-nong-cho-nha-o-214101.html
- https://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/kinh-nghiem-tu-van/9-cach-chong-nong-giam-nhiet-nha-sieu-don-gian-450405.html
- https://www.treehugger.com/overlooked-low-tech-ways-of-keeping-your-home-cool-4858516