Thép là nguyên vật liệu không thể thiếu trong nền móng cũng như bộ khung của ngôi nhà. Tuy nhiên, việc lựa chọn sắt thép xây dựng chắc hẳn sẽ gây không ít bối rối với những ai chưa có kinh nghiệm. Trong bài viết sau đây, Trang Kim sẽ mang đến cẩm nang chọn thép xây nhà phù hợp, tối ưu cho gia chủ!
Mục lục
Giới thiệu các loại sắt thép xây dựng phổ biến
Thép xây dựng được phân thành nhiều loại khác nhau, tương ứng chúng có những tính chất và cách ứng dụng riêng.
Thép cuộn
Thép cuộn được sản xuất theo hình dạng cuộn tròn với bề mặt trơn nhẵn hoặc có gân. Đây là loại thép phổ biến trong xây dựng công nghiệp, cơ khí chế tạo máy, công cụ dụng cụ.
Đối với công trình nhà ở, người ta thường sử dụng loại thép cuộn xây dựng có đường kính lần lượt là 6mm, 8mm, 12mm, 14mm; khối lượng trung bình 200-459kg/cuộn. Bằng cách gia công kéo dây, thép cuộn xây dựng được ứng dụng để làm nền móng, tường rào, cầu thang…
Thép dạng thanh (thép vằn)
Thép thanh – hay còn gọi là thép cây, thép vằn – có kết cấu dạng thanh dài, trên thân cây thép có những đường vằn được đúc nổi. Thép thường được sản xuất với đường kính từ 10mm đến 40mm tùy vào nhu cầu sử dụng của khách hàng.
Khi chọn thép xây nhà, thép thanh được xem là phương án tốt nhất để đổ bê tông cốt thép, đổ móng, làm trụ cột.. do loại vật liệu này có độ dẻo dai và đặc tính chịu lực tốt, độ bền cao.
Thép ống
Thép ống được thiết kế theo dạng ống tròn hoặc ống hộp với cấu trúc rỗng ruột đặc trưng. Thép được chia làm 2 loại chính là thép ống hàn đen và thép ống mạ kẽm.
Về ứng dụng trong xây dựng nhà ở, thép ống thường được chọn làm trụ cột, khung mái nhà, đặt kết cấu dầm thép, đóng cốt pha… Trong đó, thép mạ kẽm có tính chất chống hoen gỉ nên còn được dùng làm ống nước, hoặc những công trình đòi hỏi chống ăn mòn.
Thép hình
Thép hình là loại thép công nghiệp được sản xuất với những hình dạng khác nhau nhằm phục vụ đa dạng các nhu cầu sử dụng. Có 4 loại thép hình phổ biến là thép hình chữ H, chữ U, chữ I và chữ V.
Thép hình có kết cấu chắc chắn, bền vững với khả năng chịu lực cao nên thường được ứng dụng trong xây dựng các công trình cao tầng, làm nhà tiền chế, làm tấm chắn sàn…
Các tiêu chí đảm bảo chất lượng khi chọn thép xây nhà
Trên thị trường hiện nay tồn tại loại thép âm, hay còn gọi là thép “gầy” với đường kính nhỏ hơn thép tiêu chuẩn từ 0.5 – 0.8mm. Thông thường, rất khó để nhận biết loại thép này nếu chỉ nhìn bằng mắt thường. Tình trạng thép “gầy” tràn lan không chỉ gây tổn thất về chi phí mà còn làm giảm chất lượng công trình.
Một số tips sau đây sẽ giúp gia chủ chọn sắt thép xây dựng chuẩn hơn:
Kích thước
Như đã đề cập, do thép “gầy” có đường kính nhỏ hơn thép chuẩn nên cách đơn giản nhất để tránh chọn nhầm loại thép này là chúng ta cần kiểm tra kỹ kích thước. Nếu được, bạn nên nhờ những người có kinh nghiệm trong nghề như nhà thầu, kỹ sư… kiểm tra và lựa chọn thép cho công trình. Hoặc bạn cũng có thể tự mình kiểm tra bằng cách dùng thước kẹp đo đường kính của thép. Sau đó đối chiếu với kích thước tiêu chuẩn của hãng.
Ngoài ra, thép tốt luôn có sự đồng đều về cả kích thước lẫn màu sắc. Ngược lại, thép kém chất lượng thì màu sắc thường không đồng nhất, đặc biệt là ở những vị trí góc cạnh.
Giá thành
Giá thành thép chuẩn luôn được bán ra đúng với mức niêm yết của hãng và tương đương nhau ở mọi địa chỉ phân phối. Gia chủ nên khảo giá thép của một số thương hiệu uy tín trước khi đến mua trực tiếp tại đại lý. Nếu giá thép bán ra thấp hơn giá niêm yết trên thị trường, khả năng cao đấy là loại thép kém chất lượng. Tốt nhất, không nên có tâm lý ham rẻ khi chọn thép xây nhà.
Dưới đây là bảng cập nhật giá thép mới nhất mà bạn có thể tham khảo:
Bảng giá thép miền Bắc
Bảng giá thép miền Nam
Nguồn: Steelonline
Lưu ý: bảng giá thép bên trên được cập nhật vào ngày 13/03/2022 của thương hiệu thép Hòa Phát. Hiện nay, thị trường thép có sự biến động về giá liên tục, do đó gia chủ cần cập nhật bảng giá gần nhất với thời gian xây dựng của mình.
Thương hiệu & đơn vị cung ứng
Để tránh chọn nhầm những loại thép trôi nổi, kém chất lượng, cách tốt nhất là nên mua thép được sản xuất bởi các thương hiệu uy tín. Mặt khác, việc chọn thép có thương hiệu cũng đảm bảo bạn mua đúng giá thành, chất lượng tương xứng với chi phí bỏ ra.
Bên cạnh đó, gia chủ nên tìm đến những đại lý uy tín, có xác nhận là đơn vị phân phối chính hãng của thương hiệu thép cần mua. Khi xuất kho, cần có tem phiếu, bảng niêm yết giá của thương hiệu thép.
Các tiêu chuẩn ngoại quan và chứng nhận tiêu chuẩn của thép
Cụ thể, trên thân thép tiêu chuẩn sẽ luôn có các thông số: (1) logo, tên viết tắt của nhà sản xuất (hoặc cả 2); (2) ký hiệu mác thép; (3) đường kính danh nghĩa. Để hiểu rõ hơn, hãy tham khảo hình ảnh ví dụ bên dưới:
Ngoài ra, thép được sản xuất ra thị trường phải đảm bảo các quy chuẩn về kiểm soát chất lượng, kích thước, đơn trọng của bộ tiêu chuẩn thép xây dựng hiện hành. Các kiến trúc sư, kỹ sư, nhà thầu sẽ căn cứ vào các thông số này để thiết kế kết cấu các công trình xây dựng.
Hiện nay, nước ta đang áp dụng bộ tiêu chuẩn thép xây dựng phổ biến sau:
- Tiêu chuẩn Việt Nam: TCVN 1651 – 1985, TCVN 1651 – 2008
- Tiêu chuẩn Nhật Bản: JIS G3505 – 1996, JIS G3112 – 1987
- Tiêu chuẩn Hoa Kỳ: ASTM A615/A615M – 08
- Tiêu chuẩn Anh Quốc: BS 4449:1997.
Hướng dẫn ước tính số lượng sắt thép khi xây nhà
Khi chọn sắt thép xây dựng, chắc hẳn rằng mọi gia chủ đều quan tâm đến việc tính toán số lượng sắt thép cần sử dụng để từ đó hoạch định chi phí cho phù hợp. Cách tính đơn giản nhất là theo tiêu chuẩn m3. Căn cứ theo lượng thép cần dùng trên mỗi m3, ta chỉ cần nhân với diện tích tổng thể là ra được tổng lượng thép cần mua khi xây dựng.
Thông thường, lượng thép cần dùng cho mỗi hạng mục phổ biến như sau:
- Móng nhà: 100 – 120 kg/m3
- Dầm: 180 – 200 kg/m3
- Sàn nhà: 120 – 150 kg/m3
- Cột: 200 – 250 kg/m3 (nhịp >5m) hoặc 170 – 190 kg/m3 (nhịp <5m)
- Vách: 180 – 200 kg/m3
- Cầu thang: 120 – 140 kg/m3.
Đánh giá một số thương hiệu thép nổi bật
Nhìn chung, thép của các thương hiệu uy tín trên thị trường hiện nay không có sự chênh lệch nhiều về giá thành cũng như chất lượng. Tuy nhiên, mỗi thương hiệu sẽ có những đặc điểm nổi bật riêng. Hãy cùng tìm hiểu xem đâu là thương hiệu thép phù hợp với ngôi nhà của bạn nhất!
Thép Hòa Phát
Hòa Phát là thương hiệu thép dẫn đầu về sản lượng tại Việt Nam. Sản phẩm thép Hòa Phát đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn thép xây dựng đang được áp dụng phổ biến hiện nay.
- Điểm nổi bật:
– Sản phẩm chất lượng, tuổi thọ cao.
– Đa dạng chủng loại: bao gồm thép cây, thép cuộn, thép ống, phôi thép…
– Là thương hiệu thép quốc tế nên có độ tin cậy cao.
– Mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước, dễ dàng đặt hàng.
– Sản phẩm được ứng dụng rộng rãi từ công trình dân dụng đến các công trình công nghiệp, hạ tầng giao thông…
- Hạn chế:
– Sản phẩm thường xuyên bị làm giả, làm nhái với mẫu mã tinh vi.
Thép Pomina
Pomina là thương hiệu thép dẫn đầu về thị phần xây dựng tại thị trường miền Nam. Hiện tại, Pomina đang cung cấp ra thị trường hai loại thép là thép tròn cuộn và thép thanh vằn. Sản phẩm thép Pomina đáp ứng các tiêu chuẩn Hoa Kỳ ASTM; tiêu chuẩn Nhật Bản JIS và tiêu chuẩn Việt Nam TCVN.
- Điểm nổi bật:
– Thép Pomina có chất lượng tốt, độ dẻo cao
– Giá thành rẻ hơn so với sản phẩm thép xây dựng cùng chủng loại trên thị trường.
– Hệ thống đại lý trải đều các tỉnh miền Nam và có mặt tại các thành phố lớn ở miền Bắc.
– Đặc biệt phù hợp với công trình dân dụng.
- Hạn chế:
– Thép Pomina bị làm giả tràn lan, dẫn đến tình trạng có thể mua nhầm hàng kém chất lượng.
– Sản phẩm không đa dạng.
Thép Miền Nam
Thép miền Nam thuộc top 5 thương hiệu thép được ưa chuộng tại Việt Nam. Sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại cung cấp bởi tập đoàn Danieli – Italy.
- Điểm nổi bật:
– Sản phẩm bền bỉ, chịu lực cao.
– Quy cách bó thép thuận tiện cho vận chuyển và thi công.
– Chủng loại tương đối đa dạng. Ngoài 2 dòng sản phẩm chính là thép cuộn và thép thanh, thương hiệu này còn có thép tròn trơn, thép góc, thép thanh hình…
– Giá thành cạnh tranh so với các dòng sản phẩm cùng loại.
- Hạn chế:
– Có ít đại lý phân phối ở khu vực miền Bắc.
Thép Việt – Ý
Tương tự như thép Miền Nam, thép Việt – Ý cũng được sản xuất trên dây chuyền công nghệ đến từ tập đoàn Danieli của Italia. Đây là một trong ba tập đoàn cung cấp thiết bị trong ngành thép hàng đầu thế giới. Sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn thép xây dựng hiện hành.
- Điểm nổi bật:
– Sản phẩm có độ dẻo dai, bền chắc, ổn định.
– Giá thành cạnh tranh.
– Công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường.
– Có tác dụng làm giảm trọng lượng của công trình.
- Hạn chế:
– Chủng loại thép không đa dạng (gồm 2 dòng chủ đạo là thép thanh vằn và thép tròn trơn).
– Hệ thống phân phối còn hạn chế tại khu vực miền Bắc.
Thép Việt Nhật
Thép Việt Nhật là thương hiệu liên doanh giữa tổng công ty thép Việt Nam với 3 tập đoàn Nhật Bản. Sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền hiện đại đến từ nước Nhật; đạt chứng nhận JIS và đạt mọi tiêu chuẩn ISO 9001 và ISO 14001 của tổ chức quốc tế.
- Điểm nổi bật:
– Sản phẩm có thiết kế đa dạng, khả năng chịu lực tốt và độ bền dẻo cao.
– Đem đến nhiều sự lựa chọn về chủng loại: thép vân, thép tròn trơn, thép cuộn, thép thanh vằn, thép ống, thép hộp…
– Hệ thống phân phối phủ sóng khắp cả nước, do đó dễ dàng đặt mua hàng.
- Hạn chế:
– Thép Việt Nhật bị làm giả khá nhiều, do đó cần lưu ý mua hàng tại đại lý chính hãng.
Lưu ý về vận chuyển và bảo quản thép trong quá trình xây dựng
- Công tác vận chuyển
Nên ưu tiên các đại lý cung cấp sắt thép có vị trí gần khu vực công trình xây dựng của bạn. Như vậy, sẽ giúp công tác vận chuyển thuận tiện hơn cũng như không bị phát sinh chi phí vận chuyển.
Tùy khối lượng sắt thép mà phương thức vận chuyển có thể khác nhau. Tuy nhiên, cần lưu ý bọc lót cẩn thận để đảm bảo an toàn cho người vận chuyển và không gây hư hại đến phương tiện; không ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông trên đường. Sắp xếp thép song song hoặc hình cũi lợn (xếp chồng lền nhau tạo thành các ô vuông), không xếp hàng quá cao và đảm bảo phù hợp với tải trọng của xe.
- Bảo quản thép
Khu vực cất giữ thép cần khô ráo và có mái che. Vì môi trường ẩm ướt, nước mưa có thể làm thép bị hoen gỉ. Không để thép nằm trực tiếp dưới sàn mà nên có tấm lót bằng bạt hoặc tấm kê bằng gỗ, bê tông.
Các thanh thép nên được xếp chồng thẳng thắng lên nhau, hoặc bó lại thành từng bó với số lượng cố định. Điều này sẽ thuận tiện cho việc kiểm kê cũng như dễ dàng lấy ra để xây dựng.
Trên đây là những thông tin cơ bản về vật liệu thép và cách lựa chọn thép xây nhà đảm bảo chất lượng mà gia chủ có thể ứng dụng. Ngoài ra, đội ngũ kiến trúc sư tận tình của Trang Kim sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ tư vấn cho khách hàng trong thiết kế xây dựng nhà ở, tính toán lượng sắt thép phù hợp theo đặc thù của công trình.
Đừng ngần ngại liên hệ Trang Kim theo các phương thức dưới đây:
Hotline/Zalo: 0985 999 895
Email: kientructrangkim@gmail.com
Văn phòng làm việc: tầng 2, tòa nhà ATS, số 8 Phạm Hùng, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Cám ơn bạn đã theo dõi!
Nguồn tham khảo:
https://mrindustrialservices.co.uk/types-of-steel-the-most-common-types-used-in-construction/
https://thep.hoaphat.com.vn/tin-cong-nghe/chon-thep-xay-nha-the-nao-de-dam-bao-chat-luong-tot-nhat.html
https://thephanoi.com.vn/goc-tu-van/chia-se-cach-tinh-sat-thep-xay-nha-cuc-chuan.html
https://steelonline.vn/bang-gia-thep-xay-dung-hom-nay