Nhà ở lâu năm thường có những hư hỏng, phổ biến nhất là sự xuống cấp của bề mặt bên ngoài khiến ngôi nhà trở nên cũ kỹ, lỗi thời và không hoàn toàn phù hợp với bối cảnh xung quanh. Do vậy, khi có điều kiện các gia chủ thường muốn cải tạo, làm mới lại cho không gian thêm phần hấp dẫn.
Đa phần những ngôi nhà khi cần “đổi mới” có hai phương pháp, thứ nhất là cải tạo lại toàn bộ cả không gian lẫn công năng sinh hoạt để phù hợp với thói quen sinh hoạt của gia đình trong thời điểm hiện tại hoặc có tính toán những yêu cầu sử dụng vào những năm tiếp theo (nhà có người lập gia đình hay con nhỏ), thứ hai là chỉ cần thay đổi diện mạo, giữ nguyên cách bố trí như cũ, tức là thay “áo mới” cho nhà bằng màu sắc, bằng nội thất.
1. Cải tạo mặt tiền nhà
Mặt tiền nhà là phần ngoại thật, chịu nhiều tác động của môi trường bên ngoài như nắng, mưa, bụi….nên thường bị xuống cấp hoặc nếu không thì lâu năm cũng trở nên nhàm chán và “lỗi mốt”. Vì vậy hiện nay, có rất nhiều gia chủ muốn sửa sang lại khu vực này nhằm tạo sự bắt mắt và quan trọng là khiến ngôi nhà nhìn từ ngoài vào trông mới mẻ hơn.
Những phương án xử lý đơn giản, hiệu quả mà không phải thay đổi câu trúc nhà rất được các gia chủ quan tâm. Theo KTS, điển hình là những giải pháp sau:
Sử dụng sơn chống thấm sơn lại bề mặt ngoài của ngôi nhà, đặc biệt là mặt tiền, màu sơn tùy theo gia chủ lựa chọn, tuy nhiên không nên quá lạ mà thành “độc” không ăn khớp với khung cảnh xung quanh. Màu sơn cho mặt tiền nhà nên chọn kỹ càng và không lạm dụng nhiều màu, cách tốt nhất là kết hợp với bề mặt của vật liệu như gỗ, kính, thép….để tạo hình, tạo khối.
Chèn những mảng xanh lẫn với các khối bê tông ở ban công là cách “thủ công” gia chủ có thể tự bố trí thời gian hoàn tất. Sắp những chậu cây, hoa dọc theo chiều dài ban công làm cho ngôi nhà cứng cáp trở nên mềm mại và mát hơn. Sắc màu của chậu, chủng loại cây, độ cao thấp đều có thể thay đổi sau 1-2 năm nuôi trồng.
Dùng gạch, đá ốp lên vách cũ của tường, những loại gạch trơn bóng thường tạo sự sang trọng, hiện đại. Ngược lại, gạch hoa văn trạm trổ cầu kỳ tạo nét cổ điển, tinh tế.
2. Tân trang phòng khách
Thay màu sắc cho tường nhà là cách phổ biến nếu muốn làm mới nhà vì màu sơn có tầm ảnh hưởng đầu tiên đối với người nhìn, sau đó là nội thất. Một không gian được sơn hài hoà, đẹp mắt là tiền đề cho những ý tưởng sắp đặt nội thất sau này. Hiện nay, những gam màu mang hơi hướng tự nhiên, sinh động và trẻ trung lên ngôi như xanh lá, xanh dương, vàng chanh…luôn tạo cảm giác phấn chấn, niềm vui và năng lượng cho mọi người. Tuy nhiên, cùng một tông màu nhưng sắc độ khác nhau sẽ cho ra đời một không gian, một cảm nhận khác biệt. Do vậy, trước khi quyết định lựa chọn màu sơn nào các gia chủ nên tham khảo ý tưởng của KTS và định hình trước trong đầu sau khi hoàn thành không gian căn phòng sẽ như thế nào.
Cũng có trường hợp gia chủ “ngại” dọn dẹp đồ đạc, vệ sinh nhà sau khi sơn tường, hơn nữa khi sơn xong phải mất vài ngày mùi sơn mới biến mất nên giấy dán tường sẽ là giải pháp thay thế tối ưu. Bên cạnh đó, mẫu mã đa dạng, dễ thay thế khi muốn làm mới rèm cửa, không chỉ là vật liệu che chắn thuần túy mà còn là những bức tranh, mảng miếng trang trí mềm mại, cá tính chính là ưu điểm của loại vật liệu này.
Về nội thất, trước đây khoảng chục năm, không gian trung tâm của ngôi nhà thường là phòng khách, với quan điểm phòng khách là bộ mặt đại diện, là nơi “tốt khoe xấu che”, đi kèm theo nhiều kiểu trang trí phức tạp, tủ trưng bày hoành tráng hay salon chạm trổ cầu kỳ. Hiện nay, với xu hướng trẻ hóa nên dù phòng khách vẫn giữ vị trí trung tâm trong căn hộ hay ngôi nhà, nhưng cách bài trí đi theo lối vừa phải: một bộ salon vừa đủ tiếp khách chung, vài vật dụng cần thiết, không gian thoáng đãng, đưa nhiều thiên nhiên vào nội thất. Thậm chí, nhiều gia chủ còn tách biệt khách thân – khách sơ để biến phòng sinh hoạt gia đình cũng là một nơi tiếp khách thứ hai.
3. Đầu tư vào bếp ăn
Xu hướng thiết kế mới đưa ra một giải pháp mở rộng không gian, giảm thiểu các vách ngăn không cần thiết trong nhà vừa vì lý do diện tích hạn chế vừa để tạo sự liên hoàn và linh động trong sinh hoạt như giữa phòng khách và bếp, giữa bếp nấu và phòng ăn…thay vào đó là những vách ngăn nhẹ mang tính lưu động có thể di chuyển hoặc tháo bỏ theo yêu cầu.
Tiêu chí “thêm mềm , bớt cứng” dường như được các KTS áp dụng triệt để, cụ thể là phần “cứng” của không gian cũng được tiết kiệm để đầu tư cho phần “mềm”, quan tâm nhiều hơn đến vật dụng nội thất của căn bếp. Thậm chí chỉ một cái bàn hay tủ nhỏ cũng được nghiên cứu kỹ để có được sự đồng bộ hài hòa. Mảng không gian cây xanh, thoáng mát,… hầu như luôn được đặt ra trong tiêu chí thiết kế ngay từ ban đầu. Thậm chí họ sẵn sàng “hy sinh” một phần diện tích trong ngôi nhà để làm khoảng thông thoáng hợp lý.
KTS. Nguyễn Sỹ Triệu
Công ty Tư vấn Kiến trúc và Xây dựng Trang Kim