Không chỉ đồ nội thất trong nhà sau một thời gian sử dụng mới bị hỏng hóc cần phải thay mới mà ngay cả đối với “phần cứng” của ngôi nhà, tức kết cấu dầm, cột, hệ tường….do tác động của môi trường cũng xuống cấp, chỉ có điều nếu nội thất có thể thay mới được thì những sự cố gặp ở “phần cứng” thường khó xử lý hơn, hoặc là chỉ có biện pháp cải tạo lại hoàn toàn mới khắc phục được.
Xử lý những trường hợp như thấm dột trần nhà, tường có vết nứt chỉ có những người có chuyên môn mới đưa ra phương án hiệu quả mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ cũng như an toàn cho ngôi nhà. Dưới đây là những ý kiến tư vấn của KTS công ty Kiến trúc và Xây dựng Trang Kim:
1. Hiện tượng thấm dột trần nhà và giải pháp khắc phục
Trên trần nhà thấy có nhiều vết rạn chân chim, trần ngả màu ố vàng, bị đọng nước nhỏ giọt xuống dưới, nguyên nhân chủ yếu là do mái hoặc sàn đã cũ, bị nứt, hở hoặc bị đọng nước lâu ngày. Đối với nhà chung cư nếu bị thấm dột từ trần nhà là do khu vực nhà vệ sinh, ống thoát nước của các căn hộ ở tầng trên có rò rỉ, hư hỏng. Nếu trần chỉ bị ố vàng thì có thể dùng các loại sơn chống thấm có đặc tính khô nhanh trong một hoặc hai giờ.
Trong trường hợp trần bị thấm nước nhiều gây dột thì phải xử lý ngay bằng cách đập bỏ lớp gạch của sàn nhà khu vực bị thấm, phủ lên bề mặt bằng một lớp sợi thủy tinh và keo chống thấm. Cuối cùng trám một lớp xi măng và lát gạch lại như cũ.
Đối với nhà ở thông thường, trên những mái nhà bị thấm dột, có thể áp dụng một số biện pháp như trám bít các vết nứt trên máng xối, ô văng, sân thượng bằng hỗn hợp vữa gồm xi măng, cát và chất chống thấm với độ dày ít nhất 1cm, đồng thời kiểm tra các ống thoát nước không cho nước thoát thẳng vào đỉnh, mặt tường hoặc các chỗ nối giữa mái, tường và cửa sổ.
Nguyên nhân của việc thấm dột mái còn do các máng xối có lòng cạn, khi mưa lớn nước không thoát kịp và bị tràn lên mái, khi đó phải thay mới máng xối có lòng sâu hoặc đục thêm lỗ thoát nước dưới vị trí bị tràn.
2. Hiện tượng và cách xử lý sự cố nứt dầm, cột
Trên thân cột, dầm, trên thân tường xuất hiện nhiều vết nứt lớn hoặc nhỏ. Thường nứt ở 3 vị trí như sau:
Nứt ở mép tiếp giáp tường-cột thì do kỹ thuật thi công không đặt hay đặt không đủ thép râu neo vào tường. Biện pháp khắc phục là dùng máy cắt tạo rãnh sâu, làm sạch, ẩm và phụt vữa sửa chữa loại đông cứng nhanh bán sẵn và trát lại bằng vữa trát thông thường.
Nứt ở mép tiếp giáp tường-dạ đà cũng do lỗi thi công đã không xử lý hồ dầu và ẩm đúng, đồng thời xây không đúng quy định. Trong quá trình đông cứng, tường và cả hồ xây, trát bị co ngót một phần làm xuất hiện vết nứt ngang. Có thể dùng biện pháp sửa chữa vết nứt như nứt ở mép tiếp giáp tường – cột hoặc đục hàng gạch trên cùng ra để xây lại theo đúng quy định.
Nứt ở mép tiếp giáp tường-mặt trên đà thường thấy ở các tầng cũng do lỗi kỹ thuật thi công. Sau khi đúc đà, sàn các tầng, trước khi xây tường, ở mặt bê tông sẽ xây phải làm thật sạch, đủ ẩm. Phải có một lớp hồ dầu, miết kỹ. Nên xây trước khoảng 3 hàng gạch đinh, độ cứng được chuyển dần từ đà sàn bê tông sang gạch đặc, gạch ống, sẽ hạn chế xuất hiện khe nứt.
3. Hiện tượng và giải pháp cho tường nhà cũ bị nứt, thấm nước
Trên tường có nhiều vết rạn chân chim, các mảng tường bị ngấm nước, gây ẩm mốc bề mặt tường, làm đổi màu sơn tường. Do lớp sơn bảo vệ bên ngoài của tường bị bong tróc, rêu mốc hoặc tường bị rạn nứt, lâu ngày nước mưa và hơi ẩm theo các vết nứt nhỏ thẩm thấu vào trong tường làm ảnh hưởng đến cấu trúc và tính thẩm mỹ của ngôi nhà.
Cách khắc phục đơn giản là phải cạo sạch sơn bị bong tróc hay bột bụi bằng vât cứng, sau đó dùng hóa chất tẩy rửa và diệt rêu mốc của các hãng sơn để rửa sạch khu vực bị thấm. Dùng vữa để trám các lỗ hổng và vết nứt lớn, làm phẳng bề mặt bằng bột chuyên dùng dành cho tường ngoài trời sau đó dùng các loại sơn chống thấm để xử lý
Ðể đạt hiệu quả tốt nhất phải đảm bảo cho bề mặt cần sơn được sạch sẽ, khô thoáng và độ ẩm tường dưới 16%. Sau khi chuẩn bị tốt bề mặt thì phủ một lớp sơn chống kiềm, chờ sơn tự khô rồi phủ 1- 2 lớp sơn chống thấm lên trên.
KTS. Nguyễn Văn Thành
Công ty Tư vấn Kiến trúc và Xây dựng Trang Kim