Không ít người lầm tưởng rằng diện tích xây dựng là diện tích sàn của tất cả các tầng trong nhà. Tuy nhiên trên thực tế cách tính diện tích xây dựng trong lĩnh vực xây dựng rất khác biệt so với việc tính diện tích đất. Vậy trong xây dựng nhà ở, diện tích xây dựng nhà ở sẽ được tính như thế nào? Hãy cùng Kiến trúc Trang Kim tìm hiểu nhé!
Phân biệt diện tích xây dựng và diện tích sàn xây dựng
1. Quy định về diện tích sàn xây dựng
Tuỳ từng mảnh đất sẽ có chiều dài và chiều rộng khác nhau. Diện tích sàn được tính bằng cách lấy chiều dài nhân với chiều rộng ở mỗi tầng. Tùy theo diện tích đất và kế hoạch xây dựng (có dành đất thừa làm sân hay không) thì diện tích sàn xây dựng sẽ có sự khác nhau.
Bạn có thể hình dung đơn giản rằng, diện tích sàn xây dựng chính là diện tích được tính từ phạm vi mép ngoài của các tường bao thuộc tầng đó (bao gồm cả hành lang, thông tầng, ban công…).
Nhà có bao nhiêu tầng thì có bấy nhiêu diện tích sàn. Tổng diện tích sàn xây dựng là tổng diện tích của tất cả các tầng, bao gồm tầng hầm, tầng nửa tầng hầm, tầng kỹ thuật và tầng mái.
Ví dụ cách tính diện tích sàn xây dựng của nhà 2 tầng với kích thước các cạnh sàn (sàn tầng 1) là 5 x 20m, thì diện tích sàn của mỗi tầng là 100m2, và tổng diện tích sàn xây dựng của căn nhà là 200m2.
2. Cách tính diện tích sàn trong giấy phép xây dựng
Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN03:200/BXD về phân loại, phân cấp công trình xây dựng và hạ tầng kỹ thuật đô thị, diện tích sàn xây dựng trong giấy phép xây dựng được quy định như sau:
Diện tích xây dựng là phần diện tích mặt sàn của tất cả các tầng trong công trình. Nó bao gồm cả khu vực ban công bên ngoài và cầu thang tích hợp nối các tầng.
Thông thường, các cơ quan cấp phép xây dựng chỉ tính diện tích sàn sử dụng, các phần diện tích thừa bên ngoài căn nhà như: giếng trời, sân vườn, mặt nước… không được tính trong giấy phép.
3. Diện tích sàn sử dụng là gì?
Theo Thông tư hướng dẫn tính diện tích sàn xây dựng, diện tích sàn sử dụng là tổng của diện tích phần ở chính cộng với diện tích phần phụ. Đây là toàn bộ những phần có thể nhìn thấy được và cũng là phần sử dụng được bên trong ngôi nhà.
Phần chính được nhắc đến bên trên chính là không gian dùng trong sinh hoạt như: phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách… Và cả phần diện tích dưới cầu thang được bố trí trong ngôi nhà cũng gọi là diện tích ở.
Diện tích phụ là tổng diện tích của các công trình phụ như: nhà kho, ban công, hành lang, lối đi…Với phần mái, trong một vài trường hợp đặc biệt cũng được tính là diện tích sử dụng.
4. Diện tích xây dựng là gì?
Diện tích xây dựng là diện tích có hao phí chi phí xây dựng, diện tích này bao gồm những diện tích được thể hiện trong giấy phép xây dựng và những phần diện tích không được thể hiện trong giấy phép xây dựng, nhưng tại đó có hao phí chi phí xây dựng.
Nói cách khác, diện tích xây dựng nhà ở là tổng diện tích sàn sử dụng và hình chiếu mặt bằng mái công trình. Nếu diện tích của ngôi nhà là phần thông thủy trừ cột và tường thì diện tích xây dựng là diện tích phủ bì để tính mật độ xây dựng, khai toán xây dựng và giao thầu trọn gói.
5. Vì sao cần hiểu đúng về diện tích xây dựng?
Trên thực tế, diện tích xây dựng không phải là tổng diện tích sở hữu. Diện tích xây dựng của một công trình phải tuân thủ theo các quy định về mật độ xây dựng, được tính bằng diện tích sàn mỗi tầng cộng với các diện tích có hao phí xây dựng khác. Hiểu tường tận về diện tích xây dựng sẽ giúp bạn dự trù kinh phí hợp lý trước khi bắt tay thực hiện.
Tổng diện tích xây dựng được tính theo m2 để xác định chi phí thiết kế, chi phí xây thô và hoàn thiện trọn gói của ngôi nhà. Từng nhà thầu sẽ có cách tính tổng diện tích xây dựng theo hệ số khác nhau.
Diện tích tổng sàn xây dựng ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị thi công. Do đó nhiều đơn vị báo giá xây dựng rẻ nhưng lại kê diện tích xây dựng lên cao nhằm tăng chi phí xây dựng công trình. Hãy hiểu đúng về diện tích xây dựng và lựa chọn đối tác tin cậy để hợp đồng thi công của bạn có giá trị hợp lý nhất.
Bạn có thể tham khảo bảng giá của Trang Kim ở đây.
Cách tính diện tích xây dựng
Cách tính diện tích xây dựng theo m2 là phương pháp được các nhà thầu áp dụng nhiều nhất hiện nay. Phương pháp Tính chi phí xây nhà dựa trên diện tích xây dựng là một cách tính đơn giản nhất:
Trong đó, cách tính m2 xây dựng được tính bằng diện tích các mặt sàn, trần… nhân với hệ số phần trăm tính diện tích quy đổi.
1. Diện tích phần móng
- Móng đơn tính 30% diện tích.
- Đài móng trên nền cọc bê tông cốt thép, cọc khoan nhồi: 35% diện tích.
- Móng băng tính 50% diện tích.
- Phần gia cố nền đất yếu: tuỳ vào điều kiện đất, điều kiện thi công mà quyết định sử dụng loại hình gia cố khác nhau như cọc, cừ hoặc cốt thép. Sử dụng bê tông cốt thép thì sẽ tính 20% diện tích.
2. Diện tích phần nhà
Phần nhà được hiểu là phần diện tích có mái che bên trên. Phần này được tính 100% diện tích như diện tích sàn mỗi tầng: trệt, lầu, sàn sân thượng.
Trường hợp trần nhà vệ sinh, đây cũng là một phần của sàn nên đã tính luôn trong diện tích sàn.
3. Diện tích mái
- Mái bê tông cốt thép, không lát gạch tính 50% diện tích của mái, có lát gạch tính 60% diện tích của mái.
- Mái ngói với kèo sắt: 60% diện tích của mái.
- Mái bê tông dán ngói: 85% diện tích của mái.
- Mái tôn tính 30% diện tích của mái.
4. Diện tích các phần phụ trợ (sân, hầm, thang máy…)
Diện tích tầng hầm
- Hầm có độ sâu nhỏ hơn 1.5m so với code (cao độ) đỉnh ram dốc ở hầm: 135% diện tích.
- Hầm có độ sâu nhỏ hơn 1.7m so với code (cao độ) đỉnh ram dốc ở hầm: 150% diện tích.
- Hầm có độ sâu nhỏ hơn 2.0m so với code (cao độ) đỉnh ram dốc ở hầm: 170% diện tích.
- Hầm có độ sâu lớn hơn 2.0m so với code (cao độ) đỉnh ram dốc ở hầm: 200% diện tích.
Diện tích phần sân
- Sân dưới 15m2 có đổ cột, xây tường rào, lát gạch: tính 100% diện tích.
- Sân dưới 30m2 có đổ cột, xây tường rào, lát gạch: tính 70% diện tích.
- Sân trên 30m2 có đổ cột, xây tường rào, lát gạch: tính 50% diện tích.
Diện tích khoảng trống trong nhà (thông tầng)
Bao gồm cả giếng trời và thông tầng của tầng lửng.
- Có diện tích dưới 8m2 tính như sàn bình thường 100% diện tích. Giếng trời thường diện tích không lớn hơn 8m2
- Có diện tích lớn hơn 8m2 tính 50% diện tích. Thông tầng lửng thường lớn hơn 8m2.
Phần ban công
- Ban công có mái che không xây tường bao hai bên và cao hơn 1m1, tính 70% diện tích.
- Ban công không có mái che, không xây tường, tính 50% diện tích.
- Lô gia (phần hành lang bên ngoài nhà nhưng được xây âm vào trong chứ không nhô ra) tính 100% diện tích.
5. Bài toán ví dụ
Giả sử, lô đất có diện tích 60m2, xây 2 tầng, đổ mái bê tông
Khi đó:
– Diện tích phần móng = 30% diện tích tầng 1 = 18m2
– Diện tích tầng 1= Diện tích tầng 2 = 60m2
– Mái bê tông = 50% tầng 2 = 30m2
Và lúc này ta có diện tích xây dựng = Móng + Tầng 1 + Tầng 2 + Mái = 18+60+60+30= 168m2
Hi vọng những chia sẻ trên đã giúp bạn nắm được cơ bản về các khái niệm trong tính toán diện tích xây dựng.
Mọi thắc mắc hay cần thêm thông tin hỗ trợ hãy gọi ngay số hotline 0985 999 895 hoặc email kientructrangkim@gmail.com. Trang Kim với đội ngũ kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng nhiều kinh nghiệm, vững chuyên môn sẽ tận tình giải đáp các băn khoăn của bạn.
Kính chúc quý khách nhanh chóng hoàn thiện căn nhà như ý!