Khi tiến hành xây dựng công trình, rất nhiều chủ đầu tư băn khoăn vì không hình dung được bộ hồ sơ kiến trúc như thế nào? Câu hỏi thường gặp là: “Các tài liệu ấy bao gồm những gì?” và “Hồ sơ kiến trúc có quy định cụ thể ra sao?” Toàn bộ câu trả lời sẽ nằm trong nội dung mà Kiến Trúc Trang Kim chia sẻ chi tiết bên dưới đây. Mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là giúp khách hàng có cái nhìn trực quan và đầy đủ nhất về hồ sơ thiết kế kiến trúc.
Mục lục
I. Thiết kế kiến trúc là gì ?
Thiết kế kiến trúc là thao tác bố trí, sắp đặt không gian của người kiến trúc sư. Trong đó bao gồm việc tính toán nhiều chi tiết như: hệ khung kết cấu, vỏ bao che, hệ thống hạ tầng như điện và chiếu sáng, cấp thoát nước, hay tính toán thông gió, lấy sáng… Nhằm thoả mãn yếu tố thẩm mỹ và công năng, tạo nên một nơi chốn đẹp, chất lượng, tiện ích cho gia chủ, cùng các thành viên trong gia đình.
II. Hồ sơ thiết kế là gì? Vì sao lại cần thiết?
Hồ sơ thiết kế là gì?
Công tác thiết kế kiến trúc thể hiện trên nền chất liệu là các bản vẽ của hồ sơ thiết kế. Hồ sơ thiết kế là tổng hợp các giấy tờ được dùng để diễn giải chi tiết về căn nhà, phục vụ cho công tác thi công.
Các bản vẽ của hồ sơ này thường được quy định hình thức khổ giấy A3, độ dày mỏng của tập hồ sơ phụ thuộc hoàn toàn vào quy mô của công trình. Đồng thời tài liệu này được đính kèm cùng với hợp đồng để tránh tình trạng sai lệch về sau:
– Phần phối cảnh minh họa: bao gồm phối cảnh công trình ở mặt đứng chính, phối cảnh các góc, phối cảnh nội thất, chi tiết các phòng, tiểu cảnh sân vườn, ngoại thất… Phần phối cảnh này giúp gia chủ dễ hình dung ngôi nhà thực tế khi xây dựng.
– Phần bản vẽ kỹ thuật gồm hồ sơ xin phép xây dựng, hồ sơ thiết kế sơ bộ và hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công.
– Hồ sơ xin phép xây dựng: bản vẽ các mặt cắt, mặt đứng, các tầng, móng và sơ đồ bản vẽ điện nước.
– Hồ sơ thiết kế sơ bộ: các mặt bằng triển khai chi tiết, mặt đứng, mặt cắt và các bản vẽ phối cảnh.
– Hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công: là bộ hồ sơ triển khai đầy đủ nhất để theo đó thực hiện công tác thi công. Bao gồm hồ sơ tính toán kết cấu, hồ sơ thiết kế điện, hồ sơ thiết kế cấp thoát nước, hồ sơ chống sét, báo cháy…
Vì sao bộ hồ sơ thiết kế lại cần thiết khi xây dựng?
Dựa vào bộ hồ sơ thiết kế này mà đội ngũ công nhân thi công sẽ biết được phương hướng và quy cách xây dựng ngôi nhà như thế nào, có đạt được yêu cầu, mong muốn của chủ đầu tư hay không. Nếu không có bộ hồ sơ thi công thì nhà thầu sẽ thực hiện theo kiểu kinh nghiệm, hoặc làm tới đâu tính toán tới đó, vì vậy sẽ không đúng yêu cầu kết cấu chịu lực, và không lập bảng khái toán các hạng mục vật tư hay tính toán trước giá thành xây dựng.
Đồng thời hồ sơ thiết kế kiến trúc này cũng chính là ngôn ngữ trao đổi giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công xây dựng, là cơ sở đối chiếu, kiểm tra hay thực hiện công tác hoàn công.
III. Hồ sơ xin giấy phép xây dựng
Về cơ bản hồ sơ xin phép xây dựng bao gồm: bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có công chứng) và bản vẽ thiết kế. Bản vẽ thiết kế cần lưu ý thể hiện được vị trí mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng chính và các mặt bên, mặt bằng móng của công trình, sơ đồ vị trí của công trình, sơ đồ hệ thống và điểm đấu nối kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước (với công trình cải tạo, sửa chữa phải kèm theo ảnh chụp hiện trạng).
IV. Hồ sơ thiết kế sơ bộ
1/ Thiết kế sơ bộ
Điều 4 theo Thông tư 03/2020/TT-BXD quy định hướng dẫn lập hồ sơ thiết kế kiến trúc sơ bộ gồm các lưu ý như sau:
– Lập sơ đồ vị trí, địa điểm khu đất xây dựng. Cần nêu rõ số liệu quy mô, tính chất dự án, hiện trạng, ranh giới khu đất, thông tin quy hoạch, hướng, tuyến công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu và theo quy hoạch được phê duyệt (nếu có), công trình hiện hữu và kiến trúc cảnh quan xung quanh, phân tích mối liên kết giao thông.
– Các phác thảo thiết kế ý tưởng kiến trúc cần phải thể hiện được dây chuyền công năng, hình khối, đường nét, màu sắc, ánh sáng, mối liên hệ với không gian kiến trúc cảnh quan chung của khu vực, cụ thể hoá trên các bản vẽ (mặt bằng tổng thể, phối cảnh, mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt, nội ngoại thất).
2/ Hồ sơ kiến trúc
Bản hồ sơ thiết kế kiến trúc bao gồm các hạng mục bản vẽ mặt bằng, mặt cắt và mặt đứng của ngôi nhà cụ thể như sau:
Mặt bằng xây dựng tổng thể: Bản vẽ mặt bằng tổng thể góp phần thể hiện định vị các công trình và hệ thống cây xanh xung quanh, đường đi nội khu, tổng quan quy hoạch của lô đất. Trên bản vẽ mặt bằng tổng thể bắt buộc đánh dấu hướng nam, hướng bắc để giúp chủ nhà có thể hình dung hướng cửa nhà với cổng, hướng cổng với giao thông đi lại ở trong sân.
Mặt bằng xây dựng các tầng: Bản vẽ mặt bằng các tầng thể hiện vị trí, kích thước của các tường bao, cột nhà, định vị các khoảng chênh cao độ, các vách ngăn, hay vị trí của cầu thang. Đồng thời mặt bằng cũng thể hiện sơ đồ ốp lát, cách bố trí vị trí các phòng, đồ đạc, thiết bị, diện tích của các phòng hoặc ghi chú các chi tiết đặc biệt. Dựa vào bản vẽ thiết kế mặt bằng các tầng, người thợ thi công sẽ biết mình cần phải thi công những gì và thực hiện theo dễ dàng hơn.
Mặt đứng và các mặt bên công trình: Bản vẽ mặt đứng hay mặt bên là hình vẽ kỹ thuật thể hiện chi tiết cách trang trí kiến trúc ở từng diện của toàn bộ ngôi nhà. Tài liệu này cũng định hình vị trí thực hiện các hoạ tiết cũng như đính kèm kích thước chi tiết, phần mô tả sâu hơn (nếu cần thiết) sẽ được cung cấp sau đó, ở bản vẽ triển khai chi tiết
Mặt cắt: Bản vẽ mặt cắt là hình biểu diễn phần thu được sau khi cắt không gian nhà theo chiều thẳng đứng. Bản vẽ này sẽ thể hiện cấu tạo từng lớp của các kết cấu chính như tường, sàn, dầm, cột, móng… và chi tiết các phần nhìn thấy được ở bên trong ngôi nhà như: kích thước của các bậc tam cấp, khung cửa, sàn nhà khu vực tiểu cảnh hay vệ sinh, cầu thang, giếng trời… Bản vẽ mặt cắt cũng thể hiện được vị trí, hình dáng kiến trúc bên trong của các căn phòng.
Hình ảnh phối cảnh 3D: Bản vẽ cho phép gia chủ hình dung được căn nhà trong tương lai sẽ ra sao, từ bên ngoài vào đến bên trong. Công trình được thể hiện dưới góc nhìn 3D sống động bằng cách triển khai các đường nét kiến trúc chi tiết, sử dụng vật liệu nội, ngoại thất và màu sắc hoạ tiết theo đúng nội dung các bản vẽ, bố trí thêm vật dụng hay thể hiện ánh sáng và các cảnh quan xung quanh. Hồ sơ thiết kế 3D thông thường sẽ có từ 2 đến 3 ảnh hoặc có nhiều hơn tuỳ theo yêu cầu của chủ đầu tư.
V. Hồ sơ kĩ thuật thi công
1/ Hồ sơ triển khai chi tiết
Hồ sơ này phục vụ cho công tác thi công nên rất cần sự tỉ mỉ và chi tiết. Thành phần của một bộ hồ sơ triển khai chi tiết bao gồm:
– Bản vẽ mặt bằng chi tiết mái, seno… Cũng như tất cả các bản vẽ kiến trúc khác, bản vẽ mặt bằng chi tiết mái hay seno thoát nước cũng được ghi chú đầy đủ các lớp cấu tạo, các loại vật liệu, độ dốc…
– Bản vẽ chi tiết bậc, sảnh chính: thể hiện chi tiết bậc từ thành phần kết cấu các lớp, số lượng bậc hay chi tiết mũi bậc…
– Bản vẽ triển khai chi tiết thang bao gồm mặt bằng và mặt cắt, thể hiện rõ các thành phần tay vịn, lan can, trụ đứng, chi tiết vật liệu các lớp, chi tiết mũi bậc …
– Bản vẽ triển khai chi tiết vệ sinh bao gồm mặt bằng và mặt cắt trong đó mặt cắt thể hiện rõ độ dốc sàn và các chi tiết cấp thoát nước.
– Bản vẽ mặt cắt và mặt bằng trần.
– Bản vẽ mặt bằng định vị cửa.
– Các bản vẽ triển khai thành phần khác tuỳ theo quy mô công trình
2/ Hồ sơ nội thất
- Hồ sơ thiết kế 3D nội thất các phòng: khách, bếp, phòng ngủ, phòng thờ và các phòng vệ sinh. Thể hiện phương án bố trí và sắp đặt vật dụng phù hợp với công năng. Thể hiện chi tiết vật liệu và ánh sáng ở tất cả các mặt: tường, sàn, trần.
- Mỗi không gian tối đa 3 view ảnh 3D
- Hồ sơ không bao gồm hồ sơ bản vẽ chi tiết đồ nội thất, nếu chủ nhà có nhu cầu triển khai hồ sơ bản vẽ chi tiết đồ nội thất sẽ phát sinh thêm chi phí.
3/ Hồ sơ điện nước
Hồ sơ cấp điện bao gồm:
- Sơ đồ nguyên lý hệ thống điện, truyền hình cáp, internet
- Mặt bằng bố trí hệ thống điện, internet, điều hòa không khí, truyền hình cáp các tầng.
- Mặt bằng bố trí hệ thống chống sét, phòng cháy chữa cháy, âm thanh, camera quan sát (nếu có yêu cầu).
Hồ sơ cấp nước bao gồm:
- Sơ đồ hệ thống nước.
- Mặt bằng bố trí cấp/thoát nước các tầng.
- Chi tiết cấp/thoát nước tại các phòng vệ sinh.
- Chi tiết hầm tự hoại
4/ Lưu ý
Ngoài các danh mục đã nêu trên, vẫn còn những hồ sơ cần thiết khác có thể tham khảo như:
- Hệ thống điện thoại, vô tuyến, internet các tầng.
- Các hệ thống kỹ thuật khác (nếu có).
- Bảng khái toán khối lượng vật tư và chi phí đầu tư
- Bảng dự toán chi phí vật tư xây dựng
- Bảng dự toán chi phí vận chuyển (nếu có)
Số lượng và quy cách hồ sơ cần phải chuẩn bị từ giai đoạn xin giấy phép đến khi thi công không hề đơn giản.
5/ Bộ hồ sơ thiết kế kiến trúc THẬT
Trang Kim xin gửi tới bạn một mẫu hồ sơ thiết kế kiến trúc THẬT, chỉ cần nhìn qua bộ hồ sơ này thôi, bạn sẽ thấy được sự khác nhau một trời một vực giữa việc xây nhà sử dụng bộ hồ sơ này, và xây nhà chỉ theo kinh nghiệm. Bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền, thời gian, và bớt đau đầu tính toán.
Vì vậy hãy lựa chọn ngay những đơn vị kinh nghiệm và đáng tin cậy để đồng hành cùng bạn trong quá trình xây nhà mơ ước của bạn nhé. Và mời bạn tham khảo chi tiết về gói thiết kế của Trang Kim tại đây nhé!
Hi vọng rằng các thông tin trên đây đã làm sáng tỏ mối băn khoăn của các bạn khi bắt tay xây dựng ngôi nhà mơ ước. Để nhận được tư vấn chi tiết hơn hãy gọi ngay đến số hotline 0985.999.895 hoặc gửi thắc mắc của bạn đến email kientructrangkim@gmail.com để được giải đáp nhé.