Nhà vệ sinh là một trong những không gian có tần suất sử dụng cao nhất trong căn hộ. Đây cũng là một trong những phân khu chức năng phức tạp về chi tiết cũng như kết cấu cần được lưu ý. Vậy chúng ta phải quan tâm những gì khi xây dựng nhà vệ sinh? Bố cục bài trí ra sao để vừa thuận tiện vừa thẩm mỹ? Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn với kiến trúc Trang Kim nhé!
Mục lục
I. Các tiêu chuẩn khi thiết kế nhà vệ sinh
1. Tiêu chuẩn về kích thước
Điều quan trọng đầu tiên khi xây dựng nhà vệ sinh chính là xác định diện tích, để định vị phương án thiết kế, bố trí phù hợp nhu cầu và dự trù ngân sách xây dựng thích hợp. Điều này liên quan đến kích thước tổng thể của căn nhà, nhu cầu riêng của gia chủ.
Mỗi bản vẽ khác nhau sẽ có cách thiết kế và bố trí vệ sinh riêng biệt, tuy nhiên vẫn cần phải đảm bảo tuân theo các điều kiện căn bản về kích thước như sau:
- Chiều cao nhà vệ sinh thường được sử dụng phổ biến là 2,2m. Cá biệt có những không gian nhà phố nhỏ hẹp, vì hạn chế diện tích nên sẽ tận dụng khu vực dưới chân cầu thang làm vệ sinh. Lúc ấy chiều cao trần vệ sinh có thể thấp hơn tiêu chuẩn này, chỉ trong khoảng 2m.
- Khoảng cách từ tâm chậu rửa đến tường là 38 cm.
- Kích thước tiêu chuẩn của cửa phòng vệ sinh có chiều cao và chiều rộng tương ứng là: 1,9m x 0,68 m; 2.1m x 0.82 m; 2.3m x 1.02m. Đây là kích thước cửa nhà vệ sinh tiêu chuẩn hợp phong thủy và dễ dàng đi lại khi sử dụng.
- Khoảng cách từ vị trí thành bồn cầu đến khoảng tường phía trước ít nhất là 53 cm.
- Chiều cao từ sàn lên vòi sen tắm: trên 90cm
- Khoảng cách từ tâm bồn cầu đến thành bồn tắm hoặc tường bên là 38 cm.
- Chiều cao từ sàn đến chậu rửa mặt khoảng 82cm- 85cm.
2. Tiêu chuẩn về công năng
Dù chỉ là công trình phụ nhưng bố cục và công năng nhà vệ sinh vẫn cần đạt chuẩn để đảm bảo tính ứng dụng và thuận tiện cho gia chủ. Ví dụ: 2 hay 3 phòng ngủ dùng chung một nhà vệ sinh thì vị trí vệ sinh phải gần khu vực tâm điểm, thích hợp để người sử dụng dịch chuyển trong cự ly gần nhất có thể.
Thiết kế còn phải dựa theo thói quen và nhu cầu sử dụng của từng gia đình, của từng diện tích công trình cụ thể, để bố trí không gian. Khi đó, có thể mỗi tầng có 1 hay nhiều phòng vệ sinh nằm ở những vị trí khác nhau.
3. Tiêu chuẩn về thiết bị
Một trong những bước quan trọng khi thiết kế chính là lựa chọn vật liệu và các thiết bị dùng trong nhà vệ sinh. Một nhà vệ sinh cơ bản cần được trang bị những phụ kiện sau:
- Bồn cầu: loại phổ biến là xí bệt thường bao gồm ba bộ phận chính là bệ ngồi, két nước và nắp bồn cầu. Các sản phẩm bồn cầu hiện nay đều hoạt động theo nguyên lý cổ chữ S đi kèm với hiệu ứng siphon.
- Chậu rửa: hay còn được gọi là lavabo có tác dụng cấp và thoát nước để rửa tay hoặc đánh răng, rửa mặt.
- Gương bên trên chậu rửa: là phụ kiện không kém phần quan trọng trong nhà vệ sinh, luôn được sử dụng khi rửa mặt, súc miệng.
- Vòi xịt: thiết bị tạo ra dòng nước áp lực cao giúp vệ sinh thay thế cho việc sử dụng giấy.
Với không gian có diện tích lớn hơn, gia chủ thường bố trí thêm các thiết bị nhà tắm để tối ưu hoá công năng. Khi ấy các thiết bị cần thiết thêm vào là:
- Sen tắm: có nhiều mẫu mã và chủng loại thiết kế.
- Bồn tắm: là thiết bị vệ sinh cao cấp mang đến những trải nghiệm tuyệt vời. Có nhiều thiết kế bồn tắm như bồn tắm đặt sàn, bồn tắm góc, bồn tắm massage… Để lắp đặt thiết bị này, lưu ý là diện tích cần phải đủ rộng.
4. Tiêu chuẩn về kĩ thuật
Hệ thống đường điện cần thiết kế ngầm và không đi dây ở khu vực có thể bị ẩm ướt. Bởi vì nhà vệ sinh là nơi sử dụng nước thường xuyên nên tuyệt đối không để đường điện đi nổi. Lưu ý rằng dây dẫn không được phép đấu nối hở. Thiết bị bình nước nóng lạnh phải có dây điện nối đất, và nên bố trí cầu dao riêng.
Để hoạt động của nhà vệ sinh được ổn định và bền bỉ đòi hỏi phải thiết kế hệ thống đường ống nước cấp cũng như thoát chất thải chuẩn xác đến mức tối đa. Cần lắp đặt chính xác các đường ống nước cố định trong tường hoặc sàn nhà, đảm bảo về độ dốc để không tắc nghẽn. Đặc biệt lưu ý chất liệu đường ống đảm bảo chất lượng để lâu dài tránh bị rò rỉ nước.
Ngoài ra cần lưu ý, không nên thiết kế nhà vệ sinh ở giữa nhà. Vì như vậy hệ thống cấp thoát nước buộc phải chạy qua phía dưới các khu vực sinh hoạt khác của nhà ở, vừa không tiện vừa khó sửa chữa nếu có sự cố, hỏng hóc.
II. Hướng dẫn bố trí nhà vệ sinh
1. Bố cục cho nhà vệ sinh kích thước nhỏ
Diện tích nhà vệ sinh ít nhất phải có giá trị tối thiểu vào khoảng 2,5m2 – 3m2. Đây là kích thước nhà vệ sinh nhỏ nhất có thể. Với mật độ nhà phố rất phổ biến hiện nay thì tình trạng này không hề ít, rất nhiều góc chết trong nhà được tận dụng để làm nhà vệ sinh đơn lẻ (không kèm tắm) như dưới gầm cầu thang, các góc tù, góc vạt xéo…
2. Bố cục cho nhà vệ sinh kích thước vừa
Diện tích từ 4m2 – 6m2 là phòng vệ sinh loại tiêu chuẩn, thường phù hợp với mọi gia đình. Với diện tích này bạn có thể bố trí thêm một số vật dụng nội thất như bồn tiểu nam hoặc các kệ tủ nhỏ. Có thể thiết kế chậu rửa đặt bàn thay vì chậu rửa treo tường.
Gia chủ có thể lựa chọn bố trí thêm vòi hoa sen hay bệ tắm đứng với loại diện tích nhà vệ sinh ở mức trung bình này. Ngoài ra bạn có thể thiết kế kích thước phòng tắm tiêu chuẩn tách biệt bằng bồn tắm có rèm hoặc ngăn cách bằng kính cường lực.
3. Bố cục cho nhà vệ sinh kích thước rộng
Theo tiêu chuẩn, kích thước nhà vệ sinh lớn thường có diện tích từ 10m2 trở lên. Với kích thước đặc biệt này bạn có thể dễ dàng bày trí thêm rất nhiều phụ kiện vệ sinh như bồn tiểu nam, tranh ảnh trang trí, bồn tắm loại bể sục, thiết bị xông hơi… Thậm chí có thể thêm vào nhiều mảng cây xanh, nhiều kệ tủ trang trí hoặc thêm vào tủ quần áo(closet) như một số xu hướng thiết kế nhà tắm mới hiện nay. Đây là kích thước phòng vệ sinh thường gặp ở phòng ngủ Master hoặc các căn biệt thự, các căn nhà có diện tích xây dựng lớn.
4. Nguyên lý bố trí thiết bị vệ sinh
Vì diện tích xây dựng của mỗi nhà vệ sinh khác nhau nên thiết bị vệ sinh cũng được lựa chọn và tính toán bố trí theo cách riêng biệt. Một vài quy tắc cần phải lưu tâm như là:
- Hãy tiết kiệm diện tích sàn: tận dụng tối đa mặt sàn bằng cách đặt càng ít vật dụng thiết bị dưới sàn càng tốt, thay vào đó hãy gắn các thiết bị vào tường, đưa các vật dụng lên cao.
- Tiêu chuẩn lắp đặt bồn cầu: Khoảng cách từ tường tới tâm lỗ thoát phân: 305mm
- Tiêu chuẩn lắp đặt sen tắm: Khoảng cách giữa 2 đường dây nóng và lạnh là 150 – 180mm, khoảng cách từ sàn lên nguồn cấp nóng lạnh trên 900mm.
- Khoảng cách từ ổ cắm đến lavabo ít nhất là 91.5 cm
- Cần bố trí công tắc đèn ở ngay khu vực cửa ra vào và thuận tiện để thao tác ngay lập tức.
- Khoảng cách từ nguồn điện đến nguồn nước ít nhất là 15.2 cm
III. Những lưu ý quan trọng
1. Lưu ý về tường và chống thấm
Rất nhiều gia đình lựa chọn xây dựng nhà vệ sinh chung diện tích với khu tắm. Thêm vào đó là thói quen dùng vòi xịt và sử dụng ngay vòi này để cọ rửa sàn và tường khu vực vệ sinh. Vì vậy cần lưu ý hai hạng mục quan trọng là tường và sàn của phòng vệ sinh. Đây vốn là môi trường dễ ẩm ướt thường xuyên, rất dễ sinh nấm mốc, bong tróc gây mất thẩm mỹ và kém an toàn cho người dùng.
Biện pháp khắc phục thường được lựa chọn là sử dụng các phụ gia hoặc lót các lớp vật liệu chống thấm quanh tường, dùng sơn và vữa chống thấm chuyên biệt kèm với ốp lát các loại gạch như gạch men. Có thể tăng tính chống thấm bằng cách pha trộn thêm các chất phụ gia chống thấm natri aluminat hoặc sắt clorua, căn cứ theo trọng lượng của xi măng trong hỗn hợp.
2. Lưu ý về sàn và thoát nước
Với thói quen sử dụng của người Việt thì nhà vệ sinh luôn là khu vực dễ ẩm ướt, đặc biệt là dưới sàn. Nước và các loại hoá chất hay dùng tại đây thường dễ bám trên các bề mặt, nhờn dính và dễ gây trượt ngã nếu như không sử dụng loại gạch chống trơn đặc biệt. Vì vậy cần phải lưu ý lựa chọn những loại gạch chống trơn trượt, chống ố vàng, dễ vệ sinh.
3. Lưu ý về phong thuỷ và màu sắc trong nhà vệ sinh
Về yếu tố trang trí, phòng vệ sinh là nơi thuộc mệnh Thủy, nên sử dụng màu màu trắng thuộc kim hay màu lam. Đây là những màu vừa thanh nhã vừa cho cảm giác sạch sẽ, yên tĩnh. Tránh dùng màu sơn tường hay gạch lát gây cảm giác nóng bức cho không gian.
Theo nguyên tắc phong thủy, khu vệ sinh nên đặt ở các hướng xấu trong nhà. Phòng vệ sinh không nên xây vào trung tâm căn nhà dễ gây ảnh hưởng đến vận khí của gia đình. Cửa phòng vệ sinh thường kỵ xung chiếu (đối diện) với cửa chính, cửa nhà bếp hay phòng ngủ. Nếu vì yếu tố diện tích mà không thể tránh được điều này thì tốt nhất nên dùng một tấm gương bát quái treo phía sau cửa chính để trấn áp uế khí từ nhà vệ sinh.
IV. Một số gợi ý tham khảo
Đối với thiết kế nhà vệ sinh, một không gian hiện đại sử dụng những gam màu sáng và ốp gạch khắp các diện tường vừa dễ dàng trong thao tác vệ sinh vừa tạo được cảm giác mát mẻ dễ chịu. Vách kính được sử dụng để ngăn phòng tắm đứng và nới rộng không gian về mặt thị giác. Có thể ứng dụng các gam màu đang dẫn đầu xu thế (ví dụ màu xanh) để chấm phá ở các điểm nhấn trang trí như tủ, kệ…
Nhiều gia đình trẻ hiện nay thích sử dụng nhiều tông màu mạnh mẽ và nổi bật như đen, đỏ… đã góp phần trẻ hoá không gian nhà vệ sinh.
Với những căn nhà có chút dư dả về diện tích thường sử dụng bồn tắm nằm cùng với khu vực rửa tay mang thiết kế được chăm chút kĩ lưỡng. Vách ngăn thường là dạng rèm kéo, tăng tính linh động và thoải mái.