Thiết kế nhà vệ sinh và nhà tắm riêng biệt là xu hướng thường thấy ở những căn biệt thự hoặc nhà có diện tích rộng. Cách bố trí này có những ưu – nhược điểm gì? Và làm thế nào để bố trí cả 2 không gian chức năng này theo cách tối ưu nhất? Câu trả lời sẽ có qua nội dung sau đây!
Mục lục
Ưu – Nhược điểm khi thiết kế nhà vệ sinh và nhà tắm riêng
Có khá nhiều tranh cãi xoay quanh việc nên hay không bố trí nhà vệ sinh và nhà tắm riêng. Theo đánh giá của các kiến trúc sư, việc tách biệt 2 không gian nói trên sẽ đem đến nhiều tiện lợi trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, điều kiện là ngôi nhà cần có diện tích rộng. Cụ thể, xin mời bạn tham khảo kỹ hơn qua những ưu – nhược điểm của cách thiết kế này:
Ưu điểm
Tiện lợi cho các thành viên trong gia đình
Không còn cảnh người này muốn sử dụng nhà tắm mà phải chờ kia người kia đi vệ sinh xong hay ngược lại. Các thành viên có thể sử dụng 2 không gian vào cùng một thời điểm mà không gây ảnh hưởng đến nhau. Điều này đặc biệt hữu ích và giúp tiết kiệm thời gian vào buổi sáng.
Đảm bảo yếu tố vệ sinh
Nhà tắm không chỉ là không gian để vệ sinh cá nhân mà còn là nơi thư giãn, phục hồi thể chất, tinh thần. Do đó, việc giữ cho phòng tắm sạch sẽ, thông thoáng và có mùi hương dễ chịu là điều rất cần thiết. Trong khi đó, toilet lại là nơi bài tiết chất thải, có nguy cơ sản sinh ra các loại vi khuẩn, nấm mốc, dễ bị ám mùi… Rõ ràng không thể bàn cãi, nếu 2 không gian này được tách biệt thì sẽ đảm bảo yếu tố vệ sinh hơn hẳn.
Dễ dàng trang trí và bố trí nhiều tiện ích hơn
Do sự khác biệt về công năng, phòng tắm và nhà vệ sinh cũng gắn với những thiết bị và phong cách trang trí khác nhau. Việc tách biệt 2 không gian sẽ thuận tiện để bố trí thêm các tiện ích nội thất, cũng như trang trí theo mong muốn của gia chủ. Chẳng hạn như đối với phòng tắm, ta có thể bố trí thêm nhiều cây xanh, tranh treo tường, kệ trang trí… trong khi đó, việc bố trí toilet thì thường sẽ tối giản hơn, chủ yếu tập trung vào tính tiện nghi.
Nhược điểm
Tốn kém diện tích
Thông thường, diện tích tiêu chuẩn của nhà tắm có toilet chung là từ 4 – 6m2. Tuy nhiên, nếu chia làm 2 không gian riêng biệt, diện tích của nhà tắm về cơ bản cũng sẽ không có sự chênh lệch quá nhiều. Hay nói cách khác, chúng ta sẽ cần thêm diện tích để bố trí toilet riêng. Vậy nên, với những ngôi nhà có diện tích vừa – nhỏ hoặc căn hộ chung cư thì việc thiết kế nhà vệ sinh và nhà tắm riêng sẽ rất bất khả thi.
Kinh phí cao hơn
Cho dù cùng một diện tích, nếu tách biệt 2 không gian thì cũng đồng nghĩa với việc nguyên vật liệu xây dựng, các thiết bị nội thất, trang trí… cũng sẽ tăng lên. Nói chung, việc thiết kế phòng tắm và nhà vệ sinh riêng sẽ “ngốn” thêm một phần chi phí đáng kể.
Bố cục nhà vệ sinh riêng và phòng tắm riêng
Bố cục nhà vệ sinh riêng
Bố cục của một nhà vệ sinh cơ bản sẽ gồm một bồn cầu và một bồn rửa. Trong đó, khoảng cách tối thiểu giữa 2 thiết bị này là 40cm. Lý do nhằm đảm bảo thuận tiện cho việc di chuyển cũng như đủ thoải mái trong việc sử dụng cả 2 chức năng.
Bố cục nhà tắm riêng
Đối với phòng tắm, bố cục được chia thành 2 khu vực khô – ướt riêng biệt. Trong đó, khu vực ướt là nơi gắn với hoạt động tắm, giặt… tương ứng với các thiết bị như bồn tắm, vòi sen. Khu vực khô phục vụ cho các hoạt động như thay quần áo, trang điểm, rửa tay… gắn với các thiết bị như lavabo, bệ rửa, gương soi… và thường được bố trí gần cửa ra vào.
Lưu ý trong thiết kế nhà vệ sinh và phòng tắm riêng
Dù phòng tắm được thiết kế tách biệt hay có toilet chung thì đều cần phải tuân thủ các nguyên tắc về vị trí; đảm bảo các phân khu chức năng cũng như yếu tố thông gió chiếu sáng.
Vị trí
Nhà vệ sinh và nhà tắm nên nằm liền kề hoặc quay lưng với nhau và bố trí ở góc cuối của căn nhà. Có nguyên tắc “tọa hung hướng cát” – tức là khu vực vệ sinh được đặt ở vị trí xấu nhưng nhìn về hướng tốt.
Đối với nhà có tầng lầu, nhà vệ sinh và nhà tắm được bố trí trên một trục thẳng đứng sẽ thuận tiện cho việc cấp thoát nước.
Đối với nhà có hành lang, đặt nhà vệ sinh và nhà tắm dọc cuối hành lang thay vì để hành lang thông thẳng vào 2 không gian này. Vì theo nguyên tắc phong thủy, đây là cách bố trí không tốt.
Các phân khu chức năng
Một nhà vệ sinh cơ bản luôn được chia thành 2 khu vực khô – ướt và đảm bảo 3 chức năng: cầu – rửa – tắm. Trong trường hợp thiết kế nhà vệ sinh và nhà tắm riêng, chúng cũng không nằm ngoài nguyên tắc này.
Đối với khu vực toilet
Nhằm đem đến sự thoải mái cho người dùng, khoảng cách khuyến nghị từ bồn cầu đến các vật dụng xung quanh (tường, vách ngăn, vòi xịt…) tối thiểu là 38cm. Do được thiết kế tách biệt với phòng tắm, toilet nên được bố trí một lavabo riêng và một kệ nhỏ để đặt các vật dụng cần thiết như xà bông, nước diệt khuẩn… để sử dụng sau mỗi lần đi vệ sinh.
Đối với nhà tắm
Bố trí sao cho khu vực khô và ướt được tách bạch một cách rõ ràng. Trong đó, khu vực khô nên nằm gần cửa ra vào; khu vực ướt nằm phía trong cùng.
+ Khu vực khô: các thiết bị cần thiết là lavabo, gương soi, kệ xà phòng, thanh vắt khăn. Ngoài ra, có thể bố trí thêm các vật dụng hữu ích khác như tủ đựng đồ, chậu cây; tranh ảnh trang trí… Lavabo đặt bàn sẽ đem đến sự sang trọng, hiện đại và phù hợp với phong cách nhà tắm riêng hơn sản phẩm lavabo gắn tường. Khoảng cách từ mặt lavabo đến mặt đất dao động khoảng 75cm – 80cm sẽ phù hợp với chiều cao của người Việt.
+ Khu vực ướt: gồm sen tắm, bồn tắm, kệ để hóa mỹ phẩm, thanh treo, móc đồ… Thông thường, bồn tắm được bố trí sát góc tường để nhường không gian, diện tích cho các hoạt động khác. Sen tắm thường được lắp đặt cuối phòng tắm, nhằm mục đích hạn chế nước chảy ra sàn phòng tắm.
Thiết bị vệ sinh
Tương ứng với mỗi phân khu chức năng, chúng ta cần lắp đặt các thiết bị vệ sinh như đã đề cập bên trên. Bên cạnh đó là một số khuyến nghị sau:
+ Chỉ lắp đặt các thiết bị cần thiết, có nhu cầu sử dụng để tránh tình trạng nhiều thiết bị rườm rà, tốn diện tích.
+ Màu sắc, chất liệu thiết bị vệ sinh đồng bộ với nhau. Chẳng hạn, các thiết bị như sen tắm, vòi xịt, vòi rửa… nên cùng một chất liệu hợp kim.
+ Sử dụng các thiết bị vệ sinh đạt chất lượng để đảm bảo an toàn và mỹ quan; đồng thời hạn chế tình trạng hoen gỉ, ố màu sau thời gian sử dụng.
+ Chiều cao, khoảng cách lắp đặt thiết bị nên tuân theo khuyến nghị của kiến trúc sư để đảm bảo trải nghiệm thoải mái nhất khi sử dụng.
Ánh sáng và thông gió
Nhằm giảm thiểu tình trạng bức bí cũng như ẩm ướt, nấm mốc… phòng tắm và toilet riêng đều cần thiết kế thông gió và chiếu sáng một cách khoa học. Tùy vào vị trí của phòng tắm và nhà vệ sinh, hãy bố trí sao cho lấy được nguồn ánh sáng và gió tự nhiên. Dưới đây là một số điểm lưu ý:
+ Lắp quạt thông gió tại vị trí trung tâm của căn phòng.
+ Trong trường hợp không lắp quạt thông gió, cả phòng tắm và nhà vệ sinh nên có ít nhất 1 cửa sổ với diện tích tối thiểu là 0,3m2.
+ Lắp đèn tại vị trí trung tâm để có thể chiếu sáng cho toàn bộ không gian. Bóng đèn có chỉ số chống nước cao để đảm bảo an toàn.
+ Ổ cắm điện, công tắc đèn đặt phía xa nguồn nước, có GFCI (ngắt mạch nối đất) bảo vệ.
Trang trí
Nhà vệ sinh
Theo một số nghiên cứu khoa học, bố trí nhà vệ sinh theo phong cách tối giản, màu sắc tươi sáng (thường là màu trắng) sẽ đem đến cảm giác sạch sẽ, an toàn. Mặt khác, sự tối giản và tươi sáng còn có tác dụng giúp không gian trở nên thông thoáng hơn; cũng như giúp gia chủ dễ dàng phát hiện các vết bẩn để vệ sinh kịp thời.
Nhà tắm
Khác với nhà vệ sinh, nhà tắm cho phép sáng tạo trong thiết kế và trang trí nhiều hơn. Bên cạnh việc chọn lựa vật liệu lát sàn, gạch ốp tường để làm màu sắc chủ đạo, sự phân bổ thiết bị, vật dụng một cách khoa học sẽ đem đến mỹ quan cho phòng tắm. Chẳng hạn, các dụng cụ vệ sinh cần có không gian lưu trữ riêng. Giá đỡ, móc treo sẽ khiến đồ đạc gọn gàng hơn. Và một ít cây xanh, hoa lá sẽ đem đến sự hài hòa, gần gũi với thiên nhiên.
Gợi ý các mẫu thiết kế nhà vệ sinh và nhà tắm riêng biệt
Nhìn chung, thiết kế nhà vệ sinh và nhà tắm riêng sẽ gia tăng tính tiện nghi, thoải mái cho người sử dụng. Đặc biệt, trong cuộc sống với nhiều bộn bề và áp lực, chúng ta ngày càng mong muốn đầu tư nhiều hơn cho không gian riêng tư của mình. Với những gợi ý trên đây, hy vọng bạn đọc có thêm thông tin hữu ích để ứng dụng vào thực tế ngôi nhà tương lai. Để được chuyên gia tư vấn thêm về thiết kế nhà vệ sinh và nhà tắm, liên hệ ngay với Trang Kim nhé!
Hotline/Zalo: 0985.999.895
Nguồn tham khảo:
tessandluke.com.au/journal/bathroom-layouts-and-the-importance-of-a-separate-toilet
smartlivingvietnam.com/thiet-ke-nha-ve-sinh-va-nha-tam-rieng/
rangos.vn/cach-bo-tri-thiet-bi-trong-nha-ve-sinh