Khái niệm phòng đa chức năng dùng để chỉ một không gian phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như tiếp khách, ăn uống, thư giãn, giải trí, ngủ nghỉ….
Sở hữu một căn hộ nhỏ hẹp không còn là trường hợp của riêng ai, đặc biệt trong giai đoạn “đất chật người đông” như hiện nay. Chính điều đó là tiền đề cho sự sáng tạo không ngừng của các nhà thiết kế cũng như gia chủ để có một cuộc sống lý tưởng trong không gian chật hẹp, đó là tạo ra những căn phòng đa chức năng thay vì phân chia nhỏ từng phòng riêng biệt.
Khái niệm phòng đa chức năng dùng để chỉ một không gian phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như tiếp khách, ăn uống, thư giãn, giải trí, ngủ nghỉ….Điều này nghe có vẻ bất tiện về mặt sinh hoạt nhưng nếu biết cách bài trí phù hợp thì ngôi nhà vẫn tạo được sự thoải mái nhất định, vẫn có thể tạo ra những khu vực riêng biệt cho căn phòng nhờ sự ngăn cách ảo.
Sự kết hợp giữa nhiều chức năng trong cùng một không gian sẽ khiến nhiều người lầm tưởng tới cảm giác ngổn ngang đồ đạc, nội thất bởi mỗi một chức năng lại có những vật dụng cơ bản khác nhau, ví dụ nơi tiếp khách cần bàn trà, nơi ngủ cần giường và tủ kệ, không gian giải trí, thư viện cần ghế ngồi, nơi ăn uống và nấu nướng cần nhiều đồ dùng…..Thế nhưng, điểm cốt yếu là thông qua cách lựa chọn nội thất, căn phòng khi đó sẽ không tạo cảm giác bừa bộn mà ngược lại, chính thiết kế “mở” sẽ mang đến cảm giác thoải mái, thân thiện và rộng rãi.
Phân chia không gian cho từng chức năng
Trong một căn phòng khi kết hợp nhiều chức năng thì tất nhiên gia chủ phải cân nhắc phân chia không gian cụ thể cho từng vai trò sao cho hợp lý nhất, tuy nhiên, sự phân chia ở đây chỉ được giới hạn bằng cảm nhận. Tùy theo hiện trạng từng căn phòng để chia bố cục.
Ví dụ, nơi tiếp khách chỉ cần một góc nhỏ khoảng 5m2 đủ đặt một bộ bàn ghế sofa nhỏ nên có thể đặt gần lối cửa ra vào hoặc gần cửa sổ để lấy sáng. Dùng thảm trải sàn làm giải pháp phân chia không gian thay tường, khi đó cần chừa một khoảng trống xung quanh (khoảng 1m2) để tạo ra cảm giác về những ranh giới giữa các khu vực cũng như làm cho căn phòng được thoáng hơn. Bàn ăn, bếp nấu có thể đặt tách biệt theo ý muốn chủ quan nhưng tốt nhất nên bố trí liền kề nhau để tạo sự thuận tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Phòng ngủ nếu bố trí chung trong cùng một không gian nên thiết kế thêm một chiếc rèm mỏng phân ranh giới và cũng là cách đảm bảo sự riêng tư cần thiết.
Tạo sự cân bằng
Vì nhiều đồ vật trong cùng một không gian nên cần có sự cân bằng để nâng cao tính thẩm mỹ. Bố cục không gian nếu được phân chia hợp lý đã là một yếu tố cân bằng không gian một cách hiệu quả, tuy nhiên tỉ lệ cao thấp, lớn nhỏ giữa đồ nội thất đóng vai trò thứ yếu nhằm tạo ra cái nhìn tổng thể hài hoà.
Cụ thể là việc sắp xếp hai hoặc nhiều hơn các đồ vật nhỏ để tạo sự hài hoà với một đồ vật lớn hơn. Ví dụ như việc trong khu tiếp khách của căn phòng, hai chiếc ghế sofa được đặt đối diện với nhau trên một tấm thảm lớn sẽ tạo cho bạn cảm giác như đang ngồi trong một căn phòng rộng rãi, sáng sủa.
Đồ đạc, nhất là bàn ăn và bàn uống nước, không nên dựa vào tường để tạo sự cân bằng cho không gian. Giữa những bộ bàn ghế này có thể ngăn cách bằng các tủ kệ thấp, phía trên có bày các chi tiết trang trí như lọ hoa hoặc những khung ảnh nhỏ để không tạo cảm giác khiên cưỡng trong việc chia tách không gian.
Nội thất đa chức năng được ưu tiên hàng đầu.
Để tiết kiệm không gian gia chủ nên sử dụng những đồ nội thất có thêm một vài chức năng mới. Đơn giản như chiếc tủ dưới gầm giường kéo ra kéo vào hay nâng lên hạ xuống một cách dễ dàng đồng thời là một điểm nhấn. Đồ đạc như gối, chăn không nên chiếm nhiều diện tích trong không gian mà nên “ngay ngắn” trong tủ.
Đặt TV màn hình phẳng, đầu chơi DVD ở vị trí trung tâm, các ngăn xung quanh là sách, trò chơi khiến cho việc lưu trữ trở nên gọn gàng và thuận lợi cho việc tìm kiếm.
Thiết kế bàn gấp gắn vào mặt sau của giường. Khi ngủ thì lật giường xuống. Muốn làm việc thì gấp giường lên và kéo bàn mặt sau ra. Khi đi ra ngoài, để nhà gọn gàng có thể gập giường vào trong hốc. Bên trên hốc tường, tận dụng để đồ linh tinh.
Và còn vô số những vật dụng đa năng “n trong 1” khác nữa các gia đình có thể tìm hiểu và đưa vào sử dụng để tiết kiệm không gian cho căn phòng.
KTS. Nguyễn Văn Thành
Công ty Tư vấn Kiến trúc và Xây dựng Trang Kim